Văn nghệ

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Nguồn năng lượng từ tình yêu quê hương, đất nước

Phú Xuyên 25/09/2023 - 18:58

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp là người đi nhiều, sáng tác nhiều. Cảm tưởng như ở bất cứ vùng đất, không gian nào chị cũng có thể sáng tác. Với gia tài 76 album, chị vẫn không ngừng sáng tác bày tỏ tình cảm cũng như trách nhiệm nghệ sĩ của một người yêu quê hương, đất nước.

nhac-si.jpg
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp.

Cảm xúc từ sự dấn thân

Tôi đã nghe ca khúc của nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhiều lần, cũng may mắn được gặp chị trong một ngày thu Hà Nội thật đẹp cách đây chục năm. Nhưng phải đến khi tham dự Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống”, tôi mới có dịp được trực tiếp nghe chị hát.

Đúng như những gì tôi đã biết về chị, Quỳnh Hợp sáng tác hai ca khúc về lực lượng cảnh sát cơ động ngay trong những ngày đi thực tế ấy. Chị là người cởi mở, dễ gần và thích khám phá. Đó là cách chị trải nghiệm để có nhiều vốn liếng cho nghề. Trong giai đoạn 20 năm chị làm công tác biên tập và tổ chức các hoạt động ca nhạc ở thành phố Hồ Chí Minh, chị đã thể hiện khả năng sáng tác nhanh nhạy. Chị viết phục vụ phong trào hoạt động âm nhạc cũng như các sự kiện chính trị, xã hội. Đặc biệt, Quỳnh Hợp đã viết hàng trăm ca khúc về các vùng miền văn hóa, lịch sử cũng như thắng cảnh quê hương. Nhiều ca khúc của chị trở nên quen thuộc trong các sự kiện văn hóa cũng như trên sóng phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự: “Tôi đi nhiều nơi, nhiều tỉnh có các địa danh nổi tiếng, các di tích lịch sử như Hà Nội, Điện Biên, Phú Yên, Đà Lạt, Lai Châu, Sơn La..., ở đâu tôi cũng sáng tác nhiều và đều có album”.

Trong tổng số 76 album, chị có 3 album về Hà Nội với gần 50 bài hát (phổ thơ) về Hà Nội. Nếu album “Sắc đào Nhật Tân” là sáng tạo mang chất ngụ tình của tác giả thì album “Hà Nội - Ngẫu hứng phố” lại mang chất trữ tình đương đại. Người nghe nhận ra sự chủ động phiêu bồng, bung phá trong cảm xúc và “chơi nhạc” chuyên nghiệp. Còn album “Phố thu” là tình yêu với mùa thu Hà Nội khiến người nghe xao xuyến, bâng khuâng. Âm nhạc đã thể hiện được nỗi lòng và cảm xúc của người nhạc sĩ. Với album này, Quỳnh Hợp như có phần trả nợ nơi mình sinh ra, nơi cho chị được chắp cánh với âm nhạc.

Sau kỷ lục 20 bài hát về Binh chủng Phòng không - Không quân, Quỳnh Hợp gây ngạc nhiên cho mọi người về sức làm việc phi thường với 11 ca khúc về Điện Biên (chủ yếu là phổ thơ) được viết trong 10 ngày đêm. Đây là những ca khúc được biểu diễn nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Để có khả năng viết đó, ngoài sự tinh tế, Quỳnh Hợp đã có nhiều thời gian đi thực tế, làm dày vốn sống. Đặc biệt là vốn dân ca, điệu múa của đồng bào Thái Tây Bắc đã ăn sâu trong tâm hồn. Chị viết như lên đồng với cảm xúc khác lạ, nồng nhiệt và đầy đam mê.

Với các địa phương khác, như Đà Lạt - Lâm Đồng, chị viết 6 album, Huế 2 và Đà Nẵng 2 album... Với các sáng tác về Đà Lạt - Lâm Đồng, tôi hỏi, vì sao chị viết nhiều về nơi này đến vậy? Quỳnh Hợp chia sẻ rằng, Đà Lạt là thành phố ngàn hoa có vẻ đẹp riêng, rất trữ tình, cũng có nhiều câu chuyện tình xúc động. Rồi các festival hoa cũng gợi cảm hứng sáng tác.

Còn nhớ, từ chục năm trước, Quỳnh Hợp giới thiệu với công chúng nhiều ca khúc về đề tài biển đảo. Chị đã có 4 album về đề tài này: “Thì thầm với biển khơi”, “Tổ quốc nhìn từ biển”, “Trường Sa giữa trùng khơi sóng” (viết chung với nhạc sĩ - đại tá Nguyễn Hồng Sơn) và “Nghe em hát ở Trường Sa”. Quỳnh Hợp tâm sự: “Chuyến công tác Trường Sa vào giữa năm 2011 để lại cho tôi ấn tượng cùng xúc cảm đặc biệt. Đặt chân lên đảo Sinh Tồn, cảm xúc thăng hoa với ý thơ Trần Đăng Khoa giúp tôi viết ca khúc “Lính đảo đợi mưa” - được Quân chủng Hải quân trao giải A - Giải thưởng 5 năm (2006 - 2011) Văn học nghệ thuật viết về lực lượng Hải quân. Hải trình thăm Trường Sa đã chắp cánh cho hàng chục ca khúc về Trường Sa của tôi ra đời”.

Mỗi album của Quỳnh Hợp về một chủ đề riêng nhưng đều thấm đẫm chất dân gian của nhiều vùng miền văn hóa khác nhau, với tiết tấu trẻ trung, ca từ đẹp và giàu ý thơ.

Không ngừng sáng tạo

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp sinh năm 1959 tại Hà Nội. Chị đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc (Trường Thể dục Nhạc Họa Trung ương; 1981), tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1995). Chị từng là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân chủng Không quân.

Còn nhớ, ngay sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, khi ấy vừa tròn 22 tuổi, chị công tác tại đội ca nhạc của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc với vai trò là một ca sĩ. Trong một dịp kỷ niệm của binh chủng, được sự khích lệ của đồng nghiệp và bạn bè, Quỳnh Hợp mạnh dạn viết nhạc. Chị viết liên tục 6 ca khúc và tự mình đệm ghi ta hát. Đó là bài hát “Em là chiến sĩ thông tin”, một "chứng chỉ" hành nghề sáng tác của chị. Chị còn phổ thơ của các chiến sĩ trong binh chủng, tạo nên bầu không khí mới trong phong trào ca hát của đội văn nghệ. Hình ảnh nữ chiến sĩ thông tin vừa đàn vừa hát với ánh mắt ngời sáng, hồn nhiên đã làm nức lòng bao người.

Năm 1995, tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh chị xuất ngũ với cấp bậc Đại úy, về làm biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với bút danh Nhật Hà, Hà Nhật Quỳnh. Nhà báo Phan Tấn Hùng, một người bạn của chị, chia sẻ: “Với vai trò là nhạc sĩ, Quỳnh Hợp viết khỏe. Trong vai trò nhà báo về lĩnh vực âm nhạc, chị luôn tìm kiếm, phát hiện và chắp cánh cho những tác phẩm mới. Quỳnh Hợp không chỉ góp tác phẩm trong âm nhạc Việt Nam đương đại, mà qua những chương trình phát sóng trên Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh do chị thực hiện. Quỳnh Hợp đã giới thiệu đến đông đảo khán giả những gương mặt nhạc sĩ, ca sĩ, những tác phẩm tiêu biểu trong đời sống âm nhạc nước nhà, trong đó có nhiều tác giả là nữ giới”.

Yêu thích tác phẩm của Quỳnh Hợp, nhà thơ, nhà báo Uông Thái Biểu cho rằng: “Trong dòng chảy của âm nhạc truyền thống, cách mạng Việt Nam, Quỳnh Hợp đã góp vào đó một tiếng nói riêng nữ tính và cá tính. Người nghe cảm nhận được mảng đề tài người lính được chị phản ánh khá đậm nét với nhịp điệu đầy chất lính, thật trẻ trung, sinh động và gần gũi. Ẩn chứa trong mỗi ca khúc là sự gần gũi và dung dị nhưng luôn dạt dào tình cảm của một người phụ nữ đa cảm và yêu sự tươi mới của hiện thực cuộc sống”. Còn nhạc sĩ Vũ Thiết, tác giả ca khúc nổi tiếng "Nghe câu quan họ trên cao nguyên", chia sẻ: “Quỳnh Hợp là nhạc sĩ giàu năng lượng sáng tác, nhất là những sáng tác thể hiện tình cảm quê hương, đất nước. Chị có khả năng sáng tác nhanh nhạy và sở hữu nhiều ca khúc hay”.

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã được trao hơn 20 giải thưởng: Giải A với ca khúc “Lính đảo đợi mưa” (thơ Trần Đăng Khoa) - Giải thưởng 5 năm (2006 - 2011) của Quân chủng Hải quân; Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2004 và 2011); nhiều giải thưởng quan trọng của Bộ Quốc phòng với ca khúc “Đồng đội ơi” (thơ Quang Chuyền), “Điểm hẹn xòe hoa” (thơ Lê Nguyên), “Tổ quốc nhìn từ biển” (thơ Nguyễn Việt Chiến), “Tổng đài quan họ” (1984)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp: Nguồn năng lượng từ tình yêu quê hương, đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.