(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nông nghiệp đã trở thành
Những năm qua, việc xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (NLTS) đóng vai trò quan trọng để giảm nhập siêu của cả nước, mang lại việc làm và thu nhập cho hàng triệu nông dân. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ NLTS vẫn đứng trước nhiều khó khăn, mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giảm dần, nhiều sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng, khâu khai thác thị trường còn hạn chế, thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn yếu… Đó là nguyên nhân khiến các mặt hàng NLTS của Việt Nam khó đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xây dựng chiến lược sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ để ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh: Bá Hoạt |
Không lệ thuộc vào một thị trường
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản (NLTS) xuất khẩu chủ lực, có mặt tại trên 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, 7 sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD và xuất hiện ở hầu hết các thị trường lớn của thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản... Tuy đạt được những thành tựu trên, song theo đánh giá các chuyên gia kinh tế thế giới, nếu có định hướng phát triển đúng, giá trị hàng NLTS Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều so với con số thực thu như hiện nay. Mặt khác, để nâng cao giá trị hàng nông sản, không thể lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường, cụ thể là thị trường Trung Quốc như hiện nay. PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, nông sản Việt Nam đã rơi vào điều tối kỵ khi “bỏ trứng vào một giỏ”, lệ thuộc vào một thị trường. Hậu quả là nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam rơi vào cảnh khốn khó. Cụ thể, mặt hàng cao su giảm tới 33% về giá trị và giảm 11,7% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái; sắn và sản phẩm từ sắn với tổng sản lượng 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt chưa đầy 1,8 triệu tấn giảm 13% về khối lượng và giảm 12,8% về giá trị so cùng kỳ năm 2013; mặt hàng gạo vẫn theo đà sụt giảm từ đầu năm tới nay, khối lượng gạo xuất khẩu trong 6 tháng qua giảm 9,9% và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái…
|
Theo các chuyên gia kinh tế, để tránh tình trạng được mùa mất giá, ổn định sản xuất, nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam thì cần tránh sự lệ thuộc vào một thị trường, cần nhanh chóng mở rộng khai thác các thị trường mới. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để tránh tình trạng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và chủ động trong tiêu thụ, Việt Nam cần khai thác, mở rộng sang các thị trường mới có tính ổn định cao. Các doanh nghiệp nên coi trọng phát triển thị trường tiêu thụ nội địa vì đây là thị trường đầy tiềm năng với gần 100 triệu người và là giải pháp để tránh phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Muốn vậy cần đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bên cạnh đó cần đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất và nhà phân phối thông qua các kênh khác nhau, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại. Đối với thị trường xuất khẩu, phải tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực…
Nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh
Muốn nâng cao giá trị gia tăng hàng NLTS phải nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm. Để thực hiện được điều đó cần tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt phải nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất và cung ứng trên thị trường. Theo mục tiêu ngành nông nghiệp đề ra, đến năm 2020, giá trị gia tăng các ngành hàng NLTS tăng bình quân 20% so với hiện nay. Cụ thể, đối với các ngành hàng chủ lực: gạo tăng 20%, cà phê tăng 13%; chè tăng 30%; thủy sản tăng 20%; cao su tăng 20%; muối tăng 20%; đồ gỗ tăng trên 20%, giảm 50% lượng nguyên liệu đưa vào chế biến gỗ dăm… Đặc biệt, đến năm 2020 tổn thất sau thu hoạch đối với hàng NLTS giảm 50% so với hiện nay.
Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ. Đây là giải pháp quan trọng bảo đảm nguyên liệu "đầu vào", đồng thời giảm thiểu đầu mối trung gian, hình thành hệ thống kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và là cơ sở để bảo đảm hài hòa lợi ích của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm. Để chấm dứt tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, các địa phương cần đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất, cải tạo đồng bộ đồng ruộng, đầu tư cơ sở hạ tầng để áp dụng cơ giới hóa. Song song với việc thực hiện những vấn đề nêu trên, Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó hình thành các doanh nghiệp "đầu tàu" và doanh nghiệp vệ tinh, tập trung hỗ trợ đầu tư để đổi mới công nghệ và thiết bị cho các doanh nghiệp thật sự có năng lực. Cuối cùng, ngành chức năng cần nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến thông qua ưu tiên các dự án khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu cho chế biến; xây dựng các mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân; hỗ trợ tập huấn về công nghệ, hướng nông dân vào sản xuất các mặt hàng nông sản theo các tiêu chuẩn an toàn. Có như vậy hàng NLTS Việt Nam mới có thể trụ vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy lợi thế trên "sân nhà", mở rộng thêm nhiều thị trường mới, tạo bước đột phá và cải thiện đời sống cho người nông dân…
Theo Bộ NN&PTNT, bình quân 3 năm gần đây, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 34% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS của nước ta. Đặc biệt, gần 100% lượng sắn, 70-75% lượng cao su, 35-40% lượng gạo (nếu tính cả xuất tiểu ngạch thì khoảng 50%), 70% thị trường xuất khẩu thanh long... được xuất sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiêu thụ rất mạnh các sản phẩm gỗ, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản... Sở dĩ doanh nghiệp Việt Nam quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc bởi thị trường này dễ tính, không yêu cầu cao về chất lượng, vận chuyển gần chủ yếu bằng đường bộ... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.