(HNM) - Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổng kết mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản trên địa bàn 12 tỉnh. Tại hội nghị, nhiều đơn vị đã kiến nghị Bộ đề xuất với Chính phủ tiếp tục nhân rộng mô hình.
Doanh nghiệp, nông dân cùng hưởng lợi
Với mô hình này, DN cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với hộ nông dân tại những khu vực được lựa chọn. Sau đó, DN chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Đại diện một số DN nhận định, mặc dù mô hình được triển khai trong bối cảnh sức mua của thị trường giảm nhưng thực tế ở phần lớn trong số 12 tỉnh đã thu được những kết quả đáng kể. Đại diện tỉnh An Giang cho biết, trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, tỉnh đã chọn ra 2 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào dự án xây dựng mô hình thí điểm. Với sản phẩm lúa, một DN đủ tiềm lực đã ký hợp đồng tiêu thụ với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu sản phẩm là 75ha. Với mặt hàng cá tra, một DN cũng ký hợp đồng tiêu thụ với 8 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83ha. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình 6,1 tấn/ha, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/ha, các hộ nuôi cá tra tham gia mô hình cũng đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg). Tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cũng cho doanh thu tăng 38%, lợi nhuận tăng gấp 2 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi… so với trồng các loại rau màu khác.
Theo Bộ Công thương, các bên tham gia mô hình gồm DN, HTX, hộ nông dân từ công đoạn chăn nuôi - trồng trọt đến tiêu thụ đều thu được lợi ích đáng ghi nhận, cao hơn hẳn so với cách hoạt động đơn lẻ trước đây. Đặc biệt, các hộ nông dân - vốn là đối tượng yếu thế, thường hay bị tư thương ép giá khi vào mùa thu hoạch đã an tâm sản xuất.
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, có một điểm yếu gây ảnh hưởng đến cả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là quy mô nhỏ bé của DN. Đại diện tỉnh Vĩnh Long xác nhận, hầu hết DN vẫn còn yếu về tiềm lực tài chính và khả năng thích ứng, nhất là khi thị trường "có vấn đề". Bộ Công thương cho rằng, cần có chính sách đặc thù cho các DN này, như vốn ứng cho sản xuất, hỗ trợ lãi suất vốn vay…
Các chuyên gia khuyến cáo, trong quá trình liên kết, quan trọng nhất là hợp đồng kinh tế và trong hợp đồng thì giá thu mua là quan trọng nhất. Nhưng giá lại biến động thất thường nên trong hợp đồng cần có cơ chế bảo hiểm. Nếu không thực hiện được như vậy sẽ nảy sinh mâu thuẫn dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Ngoài ra, các bên ký hợp đồng cần ràng buộc nhau bằng các điều khoản về trách nhiệm, đền bù, xử lý vi phạm cụ thể, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để phân định, xử lý kịp thời.
Các DN, HTX và hộ nông dân đều mong muốn nhân rộng kết quả đã đạt được, nhưng nhiều ý kiến khuyến nghị phải nghiên cứu kỹ để chọn ra sản phẩm là thế mạnh tại mỗi địa phương. Quá trình triển khai cần bảo đảm chắc chắn, tránh tình trạng phong trào. Quy hoạch vùng nguyên liệu, kết cấu hạ tầng nông thôn cũng như xây dựng hệ thống phân phối cũng cần được chú trọng.
Một khi đáp ứng tốt những yêu cầu trên, mô hình tiêu thụ nông sản sẽ có cơ hội lan tỏa, mang lại hiệu quả cao hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.