(HNMO) - Sáng 24-5, tại lần thảo luận thứ 4 về dự thảo Luật Tố cáo, các đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về việc mở rộng hình thức tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua quá trình tiếp thu chỉnh lý, dự thảo luật đã được sửa đổi 53 điều, bổ sung 5 điều, bỏ 9 điều, giữ nguyên 10 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư và hiện gồm 9 chương, 68 điều.
Nhiều quy định của dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện với các nội dung quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo, cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập của Luật Tố cáo hiện hành
Qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, có 2 nhóm ý kiến về hình thức tố cáo:
Nhóm ý kiến thứ nhất: Đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại... Bởi vì, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và trong quản lý nhà nước. Nhiều nội dung tố cáo, phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hay mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Vì vậy, không nên giới hạn hình thức thể hiện của đơn chỉ là văn bản giấy, hình thức thể hiện của tố cáo trực tiếp chỉ là gặp mặt trình bày bằng lời nói.
Mặt khác, từ thực tiễn cho thấy, dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Đồng thời, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo để bảo đảm tính khả thi.
Nhóm ý kiến thứ hai: Đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp hoặc chỉ nên bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử. Bởi vì, nếu mở rộng hình thức tố cáo có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Hơn nữa, việc mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, nhất là tố cáo qua điện thoại là phức tạp, có thể gây quá tải cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Dự thảo Luật đang được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất (Điều 22 về hình thức tố cáo).
"Kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý", Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho biết và đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận, góp thêm ý kiến tại kỳ họp này.
Liên quan đến việc chưa mở rộng hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử được nhiều đại biểu phân tích kỹ với những lý do thuyết phục, đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) đồng tình với đề nghị bỏ hình thức tố cáo bằng lời nói, qua điện thoại vì 3 lý do.
Thứ nhất, hình thức tố cáo bằng lời nói, qua điện thoại khó bảo đảm yêu cầu của tố cáo là bảo đảm tính chính xác của thông tin tố cáo và nội dung phải rõ ràng.
| ||
Thứ hai, khi nhận tố cáo qua điện thoại, người tiếp nhận vẫn phải hướng dẫn người tố cáo viết thành văn bản hoặc ghi nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc xác nhận. Do đó, quy trình lại quay về tố cáo bằng văn bản.
Thứ ba, việc áp dụng hình thức tố cáo bằng lời nói hoặc qua điện thoại sẽ gây mất thời gian cho quá trình xác minh danh tính của người tố cáo, xác minh tính chính xác của thông tin tố cáo, gây áp lực công việc cho các cơ quan trực tiếp giải quyết tố cáo.
Trên cơ sở đó, đại biểu Huyền Mai đề nghị giữ nguyên hình thức tố cáo như Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). |
Phát biểu tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lại bày tỏ sự không đồng tình.
Ban soạn thảo đã rất thông minh khi thiết kế chấp nhận hai hình thức tố cáo bằng văn bản và bằng lời nói. Như đã trình bày nhiều lần trước, cách đây 13 năm, tại Khoản 1, Điều 65 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã quy định: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật".
"13 năm trước Quốc hội đã chấp nhận hình thức tố cáo này, vậy mà công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn... Tố cáo là quyền được hiến định. Nếu bỏ hình thức tố cáo này đi thì sẽ mất một kênh thông tin quan trọng" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu nêu.
Cùng về nội dung này, trong sáng nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp phong phú, sôi nổi. Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, dự kiến trong ngày 12-6, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.