(HNM) - Nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, cũng như tình trạng dư thừa cục bộ vào vụ thu hoạch, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản hiện đại. Việc mở rộng phát triển công nghiệp chế biến nông sản sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong nước và quốc tế.
Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) Đinh Cao Khuê cho biết, để bảo đảm đơn hàng xuất khẩu tới các thị trường “khó tính”, như: Mỹ, Hà Lan, Israel, Đức, Nhật Bản…, công ty liên tục mở rộng vùng nguyên liệu và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản. Trong năm 2021, công ty đã triển khai xây dựng cụm nhà máy chế biến rau, quả tại tỉnh Tiền Giang. Đây là cụm nhà máy chế biến thứ ba của Đồng Giao, sau các trung tâm chế biến rau, quả tại tỉnh Ninh Bình (công suất 32.000 tấn/năm) và tỉnh Gia Lai (công suất 50.000 tấn/năm).
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Hương Sơn (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thu Hương, chế biến là giải pháp tối ưu để khắc phục những hạn chế về thời gian bảo quản sản phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thô. Hiện tại, công ty có hơn 30 sản phẩm chế biến được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, trung bình mỗi ngày cung cấp hơn 1 tấn sản phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.
Về việc đầu tư công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhận định, năng lực của công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản đang dần được nâng cao. Năm 2021, có 6 dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản với tổng mức đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng được khởi công hoặc đi vào hoạt động. Qua đó, tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cho rằng công nghiệp chế biến là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hiện tại, Hà Nội có hơn 400 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm.
Tăng cường liên kết, thu hút đầu tư
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Song, nhiều nhà máy chế biến nông sản hiện đang gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất còn lỏng lẻo... Do đó, để tập trung vào chế biến sâu, chinh phục các thị trường “khó tính”, các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, mở rộng vùng nguyên liệu; đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ở góc nhìn của một doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Tomcare (thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thanh Hiền cho biết, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tương ớt, công ty đã tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu các mặt hàng này để tạo ra sự khác biệt, đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, muốn đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản, các địa phương cần tăng cường xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng... Cùng với đó là tạo cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp có năng lực về nguồn vốn, công nghệ… đầu tư, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của nông sản.
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội đang triển khai cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp theo hướng gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung; cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng... Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, có 50% cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, sữa… sử dụng trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến...
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực chế biến để nâng dần tỷ trọng nông sản có giá trị gia tăng cao, giảm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thô. Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ đầu tư mới và mở rộng công suất các cơ sở chế biến đối với những ngành hàng có các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã bảo quản, chế biến nông sản…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.