(HNM) - Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trưa mùng 2 Tết Tân Tỵ (28-1-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Đây là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng, là tiền đề mở ra hành trình vinh quang cho cách mạng Việt Nam những năm tiếp theo.
Người về nước và những quyết định lịch sử
Trong gần 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc từng nhiều lần tìm đường trở về nước, song chưa thể thực hiện được. Phải đến khi tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến chuyển, tạo thuận lợi cho sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam thì con đường trở về của Người mới thành hiện thực.
Vài ngày sau Tết Dương lịch năm 1941, tại Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gặp và nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang báo cáo tình hình và đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước. Đề nghị này trùng với nhận định của Người. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về đến biên giới Việt - Trung, vượt qua cột mốc 108 (nay là cột mốc 675) về nước. Đầu tháng 2-1941, Người (với bí danh Già Thu) đã chọn hang Cốc Bó ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để sống và làm việc…
Lúc này, tình hình có những biến chuyển lớn, phong trào đấu tranh chống Pháp, đuổi Nhật của nhân dân phát triển mạnh, đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải kịp thời có những quyết sách đúng đắn, nhạy bén và tập trung hơn nữa để chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng của quần chúng, nhằm quy tụ nguồn sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân “tiến lên làm cách mạng dân tộc giải phóng”.
Kịp thời và nhạy bén với tình hình, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng (từ ngày 10 đến 19-5-1941). Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế, bán đảo Đông Dương và trong nước, hội nghị khẳng định cần phải thay đổi chiến lược cách mạng. Đó là tập trung cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Từ đó, hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Vì thế, để nhằm động viên tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giàu nghèo, già trẻ, gái trai vào một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để cùng nhau đoàn kết “đánh đuổi giặc Pháp - Nhật” và “thực hiện cho được cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”, Người và Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh).
Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời. Trong đó, mục tiêu là để thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do.
Chuẩn bị mọi mặt để thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên
Để tập trung cho nhiệm vụ dân tộc giải phóng, ngày 6-6-1941, Người viết thư Kính cáo đồng bào gửi đến các tầng lớp nhân dân cả nước. Trong thư, Người kêu gọi toàn thể đồng bào tiến lên, đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật. Sau đó, Người viết Diễn ca Mười chính sách của Việt Minh (cuối tháng 10-1941) tập trung kêu gọi toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh để thống nhất hành động cứu nước.
Đặc biệt, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của cán bộ, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp huấn luyện cán bộ; yêu cầu các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng chọn một số thanh niên Cao Bằng gửi đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 6-1941; tổ chức lớp huấn luyện chính trị - quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương. Người cũng giao các đồng chí Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm cùng cộng tác mở lớp huấn luyện quân sự...
Tại các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, Người trực tiếp tham gia giảng bài về tình hình thế giới, tình hình trong nước, 5 bước công tác quần chúng, chiến thuật du kích, các hình thức du kích…; đồng thời, trực tiếp biên soạn một số sách, tài liệu để phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ.
Những năm sau đó, Người cùng Trung ương Đảng đã tập trung phát triển hệ thống tổ chức cơ sở Đảng; mở rộng và phát triển sâu rộng Mặt trận Việt Minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, “xây dựng căn cứ địa lòng dân” thông qua các bài viết đăng trên Báo Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Cờ giải phóng… và soạn các tác phẩm: Con đường giải phóng, Mười điều Việt Minh, Lịch sử nước ta, Địa lý Việt Nam... Người cũng chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng (Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân); xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng tại 6 tỉnh Việt Bắc... góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển nhảy vọt, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho ngày vùng lên của toàn dân tộc sau đó. Trong những năm tiếp theo, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người và Trung ương Đảng đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
… 80 năm sau ngày Người trở về Tổ quốc, Việt Nam nay đã là một đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, với sắc vóc và diện mạo mới đón Xuân Tân Sửu 2021 trong niềm tin tưởng và phấn chấn bước vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng, với sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nhất định một nước Việt Nam phát triển bền vững, hùng cường như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước sẽ trở thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.