(HNMO) - Ngày 18-10, tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam - Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế”, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, nhà làm phim, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình.
Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số và thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phim hoạt hình Việt Nam đã có những thay đổi lớn, nhất là ở khu vực tư nhân. Bên cạnh Hãng phim hoạt hình Việt Nam, có rất nhiều công ty hoạt động lĩnh vực này với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng, có sự trao đổi, hợp tác thường xuyên với nước ngoài…
“Cuộc tọa đàm nhằm đánh giá thực lực đội ngũ làm phim hoạt hình, năng lực sản xuất, khả năng và phương thức phổ biến phim hoạt hình Việt Nam ở trong và ngoài nước, với mong muốn xác định xu hướng hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam nhằm từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản, vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
Cùng với ý kiến từ Nghệ sĩ nhân dân Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội; bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về vai trò của phim hoạt hình trong đời sống, sự cần thiết mở hướng hợp tác để hoạt hình Việt Nam thành ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam; sự quan tâm của các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp…, cuộc tọa đàm có hai phần thảo luận khá sôi nổi.
Thảo luận về phim hoạt hình của Việt Nam quá trình hình thành, phát triển và chính sách của Nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Minh Trí; PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật và thiết kế (Trường Đại học Văn Lang); họa sĩ Trịnh Lâm Tùng (Hãng phim hoạt hình Việt Nam) đã nêu và phân tích về lịch sử phát triển, năng lực sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam cũng như những bất cập, khó khăn chủ yếu về nhân lực và thiết bị, công nghệ sản xuất phim hoạt hình hiện nay.
Trong khi đó, phần thảo luận về việc phát triển sản xuất hoạt hình của các doanh nghiệp tư nhân với xu hướng hợp tác quốc tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Bà Lê Quỳnh Như, đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio cho biết, đơn vị có nhiều hoạt động hợp tác với quốc tế, tham gia đồng sản xuất nhiều phim hoạt hình cho các hãng lớn…
Tuy nhiên, để sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp, phim hoạt hình mang thương hiệu Việt Nam cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc kết nối, hợp tác đầu tư, chính sách hỗ trợ về thuế, đào tạo nhân lực…
Đây là bước đầu cho chuỗi hoạt động nhằm xúc tiến, phát triển thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam của Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.