Với lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng từ các dòng sông lớn chảy qua, Hà Nội không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, mà còn có nguồn lực khai thác du lịch nông nghiệp.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Việc quy hoạch, phát triển nguồn lực này ra sao... đang được các cấp, ngành của Hà Nội bàn bạc, nhằm tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất.
Những “điểm nhấn” ban đầu
Chạy xe điện xuyên qua những con đường mang tên các loài hoa; ghé thăm những vườn cây, vườn hoa, trang trại nông nghiệp; nhẩn nha checkin giữa những cánh đồng hoa trái bát ngát đa sắc màu; thưởng thức đặc sản địa phương và lắng nghe những câu chuyện lịch sử tại các di tích... là những hoạt động du khách sẽ được trải nghiệm khi đến với xã Hồng Vân, huyện Thường Tín hôm nay.
Điểm du lịch dịch vụ làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân là một trong 2 hai sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) du lịch nông thôn Hà Nội. Tận dụng lợi thế ven sông Hồng, những năm qua, Hồng Vân đã trở thành điểm du lịch sinh thái, nông nghiệp “hút khách” của Hà Nội. Xã hiện có 21 tuyến đường chính, mỗi tuyến đường được trồng một loài hoa, tên đường được đặt theo tên các loài hoa đó, như: Đường hoàng yến, đường bằng lăng, đường hoa ban, đường phượng vĩ…
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, xã có gần 20 mô hình du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ trải nghiệm gắn với du lịch xanh, du lịch nông nghiệp. “Hằng năm, du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt từ 15.000 đến 20.000 lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng”, Bí thư Nguyễn Hải Đăng thông tin.
Tương tự, tại huyện Đan Phượng, nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái ven sông hình thành và đang dần trở thành điểm du lịch của du khách Hà Nội. Điển hình là mô hình trồng nho Hạ Đen, nho sữa Hàn Quốc tại xã Phương Đình, Đan Phượng, Trung Châu…
Ông Nguyễn Hữu Kỳ (xã Đan Phượng) chủ vườn nho Hạ Đen chia sẻ, giống nho này cho giá trị kinh tế cao; cùng với việc trồng nho bán, gia đình còn kết hợp tham quan, du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, vườn đã đón gần 200 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh, học hỏi mô hình.
Không riêng mô hình trồng nho kết hợp du lịch, Đan Phượng còn nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp hút khách trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạch Hùng thông tin, theo quy hoạch, cụm làng dọc sông Hồng (xã Trung Châu, Hồng Hà, Thọ An, Thọ Xuân) và dọc sông Đáy (xã Song Phượng, Đồng Tháp, Phương Đình) tiếp tục làm nông nghiệp truyền thống kết hợp cùng phát triển du lịch sinh thái. Các xóm làng ngoài đê dần dịch chuyển vào khu tái định cư trong đê…
Hiện tại, thành phố Hà Nội có hai sản phẩm OCOP du lịch nông thôn, là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ngoài ra, UBND thành phố cũng đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái.
Phát huy lợi thế
Chia sẻ về quan điểm phát triển nông nghiệp Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (đại diện liên danh tư vấn lập quy hoạch Thủ đô) khẳng định, nông nghiệp của Hà Nội phải khác với các địa phương, nên cần định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, công nghệ cao, nông nghiệp trải nghiệm kết hợp với du lịch sinh thái… Trong đó, việc bám sát lợi thế từ các tuyến sông, xã ven sông là rất lớn.
Cụ thể, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội với chiều dài khoảng 100km, qua nhiều năm bồi đắp của dòng phù sa đã kiến tạo nên nhiều bãi bồi, bãi giữa... là thế mạnh để xây dựng các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Ngoài sông Hồng, Hà Nội còn có nhiều dòng sông chảy qua như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích…
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai có chiều dài khoảng 17km, có 9 xã nằm trong vùng bãi sông; tổng diện tích tự nhiên của vùng bãi sông là 721ha. Trong định hướng phát kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thanh Oai xác định phát triển vùng ven sông Đáy thành không gian du lịch sinh thái, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp định hướng vùng bãi ven sông Hồng, sông Đáy, sông Đuống... với diện tích tự nhiên khoảng 29,4 nghìn héc ta sẽ tập trung phát triển cây rau đậu thực phẩm, rau an toàn, cây ăn quả và chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại gắn với việc bảo vệ vành đai xanh của Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…
Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.