(HNM) - Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những nhiệm vụ Hội LHPN TP Hà Nội tập trung thực hiện nhiều năm qua.
Gần một năm nay, mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" (ĐCTCTCĐ) ra đời, nhằm phát huy năng lực của cán bộ, hội viên, xây dựng mạng lưới hỗ trợ ở cộng đồng, giúp chị em ổn định cuộc sống. Thực tế cho thấy, để công tác ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình thực sự hiệu quả, ĐCTCTCĐ phải tạo được lòng tin.
Vươn ra cộng đồng
ĐCTCTCĐ số 4A ngõ 259 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy vốn là một cơ sở kinh doanh có gần 10 nhân công. Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ nhà cũng là chủ doanh nghiệp cho biết, từ khi triển khai mô hình, chị đã tư vấn, giúp đỡ gần 20 phụ nữ vượt qua khó khăn.
Là địa bàn mới từ xã chuyển thành phường chưa lâu, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, để làm tròn sứ mệnh của ĐCTCTCĐ, chị Thanh phải tìm hiểu tài liệu, chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, biết vận dụng khéo léo. Không những thế, chị còn phải hiểu rất rõ hoàn cảnh gia đình đương sự, giúp chị em bảo vệ quyền lợi mà vẫn duy trì được hạnh phúc gia đình. Điển hình như chị Nguyễn Thị H. thường xuyên bị chồng đóng cửa, bật đài thật to rồi “thượng cẳng chân, hạ cặng tay”. Chị H. không thể chịu nổi cảnh bị chồng hành hạ, đã nhờ góp ý vào đơn ly hôn để nhanh chóng được tòa giải quyết. Khéo léo tìm hiểu hai bên, chị Thanh hiểu rằng, lỗi thuộc về cả vợ và chồng. Người chồng vốn gia trưởng, còn vợ thì chưa khéo léo trong cách ứng xử, nên chị Thanh đã kiên trì giúp cả hai bên thấy được lỗi của mình, hiểu rằng bạo lực là vi phạm pháp luật. Giờ họ đã "cơm lành canh ngọt", hạnh phúc bên nhau.
Dù đã hỗ trợ bảo vệ thành công nhiều trường hợp bị bạo hành, chị Thanh cho rằng, với những trường hợp mâu thuẫn sâu sắc, nạn nhân cần phải tạm lánh thì ĐCTCTCĐ của chị chưa chắc đã hoàn thành nhiệm vụ, bởi gia đình chị chỉ có 3 mẹ con toàn phụ nữ, khó lòng bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hoặc sơ cấp cứu kịp thời trong trường hợp cần thiết.
Nhân lên những điểm tựa tin cậy
Bạo lực gia đình luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nên việc tư vấn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và cần có sự tỉ mỉ, khéo léo kết hợp với vận dụng pháp luật phù hợp, đúng đắn. Trong khi đó, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, xây dựng kỹ năng cho mô hình hoạt động này còn ít ỏi; việc hỗ trợ về kinh phí, điều kiện chăm sóc, sơ cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân hầu như chưa có gì. Hiện việc lựa chọn xây dựng ĐCTCTCĐ vẫn còn lúng túng; nếu "địa chỉ" đặt tại trụ sở làm việc của hội, nhà văn hóa cụm dân cư thì không thể cứu giúp nạn nhân ngoài giờ hành chính; đặt tại nhà riêng thì địa điểm thường chật chội, gây bất tiện cho sinh hoạt gia đình… Tại một số nơi, khi tiếp nhận nạn nhân đã bị đối tượng bạo lực đe dọa, xâm hại tính mạng, tài sản. Điều này khiến một số "địa chỉ" mới chỉ hoạt động một cách cầm chừng, mang tính hình thức, chưa có nạn nhân dám đặt lòng tin để cậy nhờ.
Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, mô hình ĐCTCTCĐ được hội tập trung chỉ đạo từ đầu năm, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời nạn nhân bạo lực gia đình, tránh các rủi ro về sức khỏe, tính mạng nạn nhân… Theo bà Kim Anh, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình ĐCTCTCĐ, rất cần sự chỉ đạo sâu sát, phối hợp giải quyết của cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó, vai trò của chính quyền một số cơ sở trong hướng dẫn, tổ chức tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ ĐCTCTCĐ theo quy định tại khoản 4, Điều 30 Luật Phòng chống bạo lực gia đình còn rất hạn chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.