(HNM) - Trong hội thảo Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) ở Việt Nam được tổ chức ngày 29-3, những vấn đề xoay quanh nội dung then chốt trong hệ thống trường NCL...
Cạnh tranh không cân sức
Thẳng thắn nhìn nhận những cơ hội và thách thức của các trường NCL, GS Đặng Ứng Vận, Trường ĐH Hòa Bình chỉ ra: Nhận thức của xã hội và các cấp quản lý còn chưa rõ ràng hoặc chưa đầy đủ về vai trò và tính chất của các trường NCL. Trong khi về chủ trương, mọi người đều mong mỏi các nhà đầu tư không mở trường vì mục đích kinh doanh kiếm lời nhằm bảo toàn bản chất phi lợi nhuận của giáo dục cũng như bảo đảm tính ổn định của nhà trường, thì: Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục quy định các trường ĐH tư thục được xây dựng theo cơ chế cổ phần, cổ đông và có chia lợi nhuận cho những người được góp vốn. Thành phần của hội đồng quản trị trường ĐH tư thục được quy định chỉ có các cổ đông, không nhắc đến các thành phần đại diện cho đội ngũ giáo chức, sinh viên. Ngoài ra, các trường tư phải thực hiện công tác kế toán theo chế độ kế toán đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân năm tài chính khác biệt với năm học đã gây không ít khó khăn cho các trường, nhưng điều quan trọng là với các quy định đó, việc các trường tư là doanh nghiệp trở nên bất khả kháng.
Việc tồn tại và phát triển các trường ngoài công lập là bài toán cần có gấp lời giải. Ảnh: Phương An |
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường NCL chỉ ra những bất hợp lý trong cơ chế tài chính: Với người học, hiện Nhà nước bao cấp cho sinh viên CL trên dưới 70% chi phí đào tạo. Tại sao SV NCL, cũng là công dân, gia đình họ cũng phải đóng thuế, khi ra trường trách nhiệm và nghĩa vụ cũng giống như sinh viên CL, vì sao không được phần bao cấp đó? Họ phải chịu 100% chi phí đào tạo, thậm chí chịu cả thuế doanh thu của trường được bổ đồng vào học phí. Vả lại có tỷ lệ lớn sinh viên NCL là ở nông thôn, là người khó khăn. Đã coi giáo dục ĐH là dịch vụ thì về nguyên tắc học trường gì cũng phải đóng đủ chi phí đào tạo. Nhưng nếu Nhà nước có thể dành một phần cho khối NCL thì đương nhiên rất tốt, nhưng phải công bằng.
Trong điều kiện khó khăn như vậy, theo GS Đặng Ứng Vận, các trường tư lại phải chịu chung, thậm chí còn chặt chẽ hơn một định chế với các trường công và đặc biệt là thua kém về tính tự chủ với các trường nước ngoài. Điều đó đặt các trường tư vào thế yếu, thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh không cân sức.
Mô hình nào để bảo đảm công bằng?
Lãnh đạo các trường đã đưa ra các ý tưởng đổi mới hệ thống các trường NCL Việt Nam. GS Đặng Ứng Vận kêu gọi: Phân hệ tư nhân cần được xem là một trong hai cánh cửa của hệ thống giáo dục quốc dân, có tầm quan trọng như phân hệ công lập, đặc biệt là ở trình độ ĐH. Muốn vậy, thị trường giáo dục cần được chấp nhận như một thực tế khách quan để có cách tận dụng ưu điểm, khắc phục nhược điểm của cơ chế thị trường. Nhà nước cần có sự trợ giúp cho các trường NCL để giáo dục không bị mặt trái của thị trường công kích và lấn át. Về mô hình quản lý cũng vậy, rất cần xây dựng một cơ chế tài chính riêng cho các trường NCL, bao gồm cả loại hình lợi nhuận và phi lợi nhuận, không tiếp tục buộc trường NCL phải thực hiện cơ chế tài chính của các doanh nghiệp. Trường tư phải có tính ổn định hơn so với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phá sản nhưng trường tư thì không được phép. Các trường cũng cần được miễn thuế cho các khoản tái đầu tư trong xây dựng cơ sở vật chất. Đánh thuế vào các trường tư là đánh thuế vào người học.
GS Hoàng Xuân Sính kiến nghị nên có quy hoạch "vùng nào nên có trường tư, vùng nào không và vào lúc nào", đồng thời về chính sách đất đai về thuế, có hai điều có thể được làm ngay là: giao đất sạch cho trường và có chính sách miễn thuế cho trường phi lợi nhuận. Và vấn đề về mặt chính sách, cần có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi: liệu ta có mặn mà với trường NCL hay không? Hay cũng sẽ như Trung Quốc, để nó tự phát rồi lụi tàn? Cùng chung quan điểm, TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An thêm kiến nghị về mô hình tổ chức quản lý trường ĐH tư thục và trường ĐH công cơ bản phải như nhau.
Trường ĐH tư thục chỉ khác trường ĐH công lập là có thêm phần quản trị vốn góp. Còn PGS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tỏ ra tâm đắc với mô hình trường "bán vì lợi nhuận" được nhiều nước Châu Á khuyến khích trong khoảng hai thập niên trở lại đây. Trường được ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và các trường này phải thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư phát triển cơ sở vật chất của trường, thực hiện một số chính sách xã hội, thu học phí không được cao quá… Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay, ranh giới giữa mô hình trường không vì lợi nhuận và vì lợi nhuận ngày càng bị "mờ đi", đan xen vào nhau. "Điều quan trọng nhất là chính sách của Nhà nước đối với người học được bảo đảm công bằng và bình đẳng, nhất là đối với những người nghèo", ông Toản nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.