Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mô hình nào cho chính quyền đô thị?

Hiền Chi| 08/01/2013 06:48

(HNM) - Bộ Nội vụ vừa hoàn thành dự thảo đề án "Mô hình tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT)", nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, phục vụ tốt nhất cho người dân và giải quyết các vấn đề bức xúc của quản lý đô thị hiện nay. Cả 3 phương án được đưa ra đều hướng tới việc phân cấp mạnh hơn cho CQĐT. Song, để đề án thực sự đi vào cuộc sống, rất cần những ý kiến đóng góp tâm huyết của các tổ chức, cá nhân.

Quản lý đô thị cần có đặc trưng

Sau hơn 25 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh. Các đô thị đã có ngày càng được mở rộng, nhiều đô thị mới được hình thành dẫn đến những đặc thù riêng như: trong đơn vị hành chính đô thị có đơn vị hành chính nông thôn, trong đơn vị hành chính nông thôn có đơn vị hành chính đô thị; phần đang đô thị hóa ngày càng lớn so với phần đã đô thị hóa… Những đặc thù đó đã chi phối trực tiếp đến những đặc thù trong quản lý nhà nước về đô thị, đòi hỏi phải có những đặc trưng riêng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy CQĐT. Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay về cơ bản giống nhau, đều tổ chức 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và vẫn dựa trên cách thức quản lý của chính quyền nông thôn.

Cuối năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Việc thí điểm bước đầu cho thấy, không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính, bước đầu phân biệt sự khác nhau về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn giữa chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở địa bàn nông thôn.

Theo kết quả điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, đa số người được hỏi đều cho rằng nên sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (tại những địa phương thí điểm có 79% ý kiến đồng ý; những địa phương không thí điểm có 70% ý kiến đồng ý).

Chọn phương án phù hợp

Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đề án "Mô hình tổ chức CQĐT" quán triệt nguyên tắc đổi mới trong cải cách hành chính nói chung, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nói riêng; hướng tới cải cách toàn diện các lĩnh vực, nhưng ưu tiên trong giai đoạn này là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tăng cường tự quản cho địa phương, tập trung cho các đô thị là thành phố trực thuộc TƯ và các đô thị trực thuộc tỉnh, tạo động lực phát triển cho mỗi địa phương, mỗi vùng, miền và cả nước.

Đề án đưa ra 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức CQĐT. Bộ Nội vụ cũng đưa ra những ưu điểm, hạn chế của từng phương án và trên căn cứ đó, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện phương án 1 vì phù hợp với hệ thống chính trị một đảng cầm quyền ở nước ta, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hệ thống chính trị nói chung, chính quyền địa phương các cấp nói riêng. Phương án này cũng phù hợp với việc cải cách, đổi mới đồng bộ nhưng có bước đi thận trọng và thích hợp của hệ thống chính trị địa phương theo lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp và đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; thực tiễn và kết quả tích cực của việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội là cơ sở bảo đảm cho việc thực hiện thành công phương án này. Bộ Nội vụ cũng đưa ra gợi ý, do tính chất đặc biệt về vị trí và quy mô của Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên hai địa phương này có thể cân nhắc để tổ chức theo một trong hai cách sau: Phương án 1a: Nếu vẫn tổ chức đơn vị hành chính trực thuộc như hiện nay (quận, huyện trực thuộc) thì áp dụng mô hình chung cho thành phố trực thuộc TƯ; hay phương án 1b: mỗi thành phố không phải là một đô thị riêng lẻ mà là mô hình chùm đô thị, trong đó có đô thị lõi và các đô thị trực thuộc (thành phố nhỏ trong thành phố lớn).

Hiện dự thảo đề án vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện, trình TƯ. Hy vọng rằng, sẽ có nhiều ý kiến tâm huyết, đề xuất cách làm và giải pháp thực hiện, góp phần lựa chọn phương án tối ưu nhất, phù hợp với hệ thống chính trị nước ta.

3 phương án của đề án "Mô hình tổ chức chính quyền đô thị":

Phương án 1: Không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở các đô thị trong cả nước; đồng thời, để khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức HĐND hiện nay, đề án đưa ra đề xuất mới là ở huyện, quận, phường cũng không tổ chức UBND mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn huyện, quận, phường.

Phương án 2: Không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị. Theo đó, chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban Hành chính) ở thành phố trực thuộc TƯ, thành phố và thị xã thuộc tỉnh. Ở các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong thành phố trực thuộc TƯ và xã, phường thuộc TP, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và Ủy ban Hành chính), chỉ có ban đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Phương án 3: Tổ chức CQĐT theo mô hình thị trưởng. Theo đó, thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc TƯ và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là tòa thị chính; đứng đầu tòa thị chính là thị trưởng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mô hình nào cho chính quyền đô thị?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.