(HNM) - Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, mỹ thuật Việt Nam có nhiều thay đổi, đa dạng về nội dung và hình thức, đem lại những trải nghiệm thị giác thú vị cho công chúng. Sau những chuyển động mạnh mẽ, giới mỹ thuật dường như đã định hình, phát huy được bản sắc, mở cánh cửa giúp mỹ thuật Việt Nam hội nhập với thế giới.
Thực hành nghệ thuật theo xu hướng quốc tế...
Triển lãm “Câu chuyện sơn mài: Đối thoại cửa võng” diễn ra tại Cuci Art Studio (25 Hàng Bún, Hà Nội) đang thu hút công chúng yêu mỹ thuật, trong đó có nhiều khán giả trẻ. Đây là triển lãm nghệ thuật sơn mài đa phương tiện đầu tiên tại nước ta, với sự tham gia của các nghệ sĩ có tên tuổi hiện nay như Nguyễn Trường Linh (giảng viên Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Chủ nhiệm nhóm Sơn ta), Nguyễn Hồng Phương, Nguyễn Tuấn Cường, Chu Viết Cường, Công Quốc Thắng, Vũ Trung…
Sử dụng hình tượng cửa võng - vốn là một khung cửa biểu tượng để ngăn cách không gian thờ cúng của người Việt với xung quanh - các nghệ sĩ đã mở ra cánh cửa kết nối quá khứ và hiện tại, Việt Nam và thế giới, thông qua những tác phẩm mang đậm ngôn ngữ của thời đại mới. Người xem cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài thực hiện theo lối truyền thống, bằng trải nghiệm khác lạ từ các hình thức sắp đặt, trình diễn, tương tác…
Một câu chuyện về thực hành nghệ thuật đương đại mang đậm bản sắc Việt đáng được nhắc tới là dự án các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại Nhà Quốc hội vừa được một nhóm nghệ sĩ thực hiện và hoàn thành cuối năm 2018. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển nghệ thuật của dự án cho biết, bằng nhiều hình thức nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ đã dùng tác phẩm của mình đối thoại với chính bối cảnh không gian Nhà Quốc hội và hai bảo tàng cổ vật Thăng Long, tiền Thăng Long ngay dưới chân tòa nhà, nhằm đưa người xem vào chuyến du hành văn hóa Thăng Long từ quá khứ đến hiện tại.
Các tác phẩm đều sử dụng những hoa văn, họa tiết, nét đặc trưng dân tộc để kể những câu chuyện văn hóa bằng các hình thức mới, như đồ họa mở, sắp đặt đa phương tiện, video art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động… Không gian nghệ thuật này trong nửa năm qua đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Qua đó, những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Hà Nội, của Việt Nam trở nên gần gũi, dễ tiếp cận với công chúng.
Trong 10 năm trở lại đây, các nghệ sĩ Việt Nam đã chủ động thực hành và tìm kiếm cơ hội học hỏi, nâng cao khả năng hội nhập quốc tế. Có hàng trăm triển lãm, hoạt động thực hành nghệ thuật theo xu hướng quốc tế đã đến với công chúng. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thị Thu Hương, trong quá trình này, không ít nghệ sĩ đã bị cuốn theo hình thức mới và cho ra đời tác phẩm mà người xem khó nhận diện được văn hóa, nguồn gốc. Họ sớm bị chìm vào quên lãng.
Chỉ những người chọn cho mình hướng đi phù hợp, vừa giao lưu, học hỏi những hình thức biểu hiện mới của thế giới, của công chúng đương đại, vừa sử dụng nét đặc sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc trong sáng tạo, thì gặt hái thành công và được công chúng đón nhận. Tiêu biểu trong số này là nghệ sĩ Đào Quốc Huy, Nguyễn Trung Tín, Vũ Đình Tuấn, Lê Lạng Lương, Trần Hậu Yên Thế, Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh… hay các nghệ sĩ tham gia triển lãm, dự án kể trên.
... Nhưng gìn giữ bản sắc vẫn là yếu tố sống còn
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, câu chuyện bản sắc, bản địa chính là “chìa khóa” để mang một dân tộc, một nền văn hóa đến với nhân loại. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, càng hội nhập với nghệ thuật quốc tế thì việc giữ gìn bản sắc trong sáng tác của nghệ sĩ càng trở nên quan trọng, là sự sống còn. Chính sắc thái bản địa từ hình thức đến nội dung sẽ định vị được phong cách, giá trị của mỗi nghệ sĩ.
Tuy nhiên, việc giữ gìn bản sắc trong sáng tác mỹ thuật hiện nay không dễ dàng và luôn là điều trăn trở của không chỉ các nghệ sĩ tạo hình mà cả giới nghiên cứu, phê bình mỹ thuật. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định, với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, chỉ cần mỗi nghệ sĩ ý thức và biết tận dụng trong sáng tác thì sẽ tạo ra những cuộc đối thoại hấp dẫn, phong phú, bất tận của mỹ thuật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam.
Những sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng, phong cảnh, kiến trúc cổ, người dân, những vấn đề nảy sinh trong đời sống đương đại của đất nước… đều có thể trở thành yếu tố gọi tên bản sắc trong sáng tác của nghệ sĩ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gợi ý, các nghệ sĩ Việt Nam nên học hỏi, tiếp thu những hình thức biểu đạt nghệ thuật mới trên thế giới như sắp đặt, trình diễn, video art, pop up, 3D… để chất vấn, đối thoại về vấn đề trong đời sống.
Bên cạnh tiếp thu, chắt lọc những hình thức biểu đạt mới của thế giới, theo Tiến sĩ Hoàng Thị Đào, Phó Viện trưởng Viện Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, các nghệ sĩ nên tìm lại những chất liệu truyền thống như gốm, sơn ta, lụa, giấy bồi… để thể hiện những đề tài mang tính quốc tế như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa… Đó cũng chính là cách tiếp nối truyền thống, giữ gìn bản sắc, tạo sự khác biệt cho mỹ thuật Việt Nam khi bước ra thế giới.
Mỹ thuật thời hội nhập rõ ràng không còn bó gọn trong phạm vi hội họa hay điêu khắc mà mở rộng sang nhiều hình thức nghệ thuật mới. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn hiện nay là ở nước ta rất thiếu không gian trưng bày các tác phẩm sắp đặt, trình diễn, video art… Nhiều tác phẩm có giá trị chỉ được biết đến ở phạm vi nhỏ, hoặc “xuất khẩu”, chưa có đời sống trong nước. Mong rằng, mỹ thuật có thêm được nhiều sự đầu tư, tạo điều kiện, mở không gian để nghệ sĩ phát huy sáng tạo, đưa mỹ thuật Việt Nam hội nhập và phát triển sâu rộng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.