Số liệu kinh doanh do các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam tự công bố cho thấy, Mitsubishi XForce ngay tháng đầu mở bán đã vượt lên dẫn trước các đối thủ cùng phân khúc xe gầm cao cỡ B.
Với 1.334 xe giao tới tay người tiêu dùng trong tháng qua, XForce tạo khoảng cách khá xa trước đối thủ Honda HR-V. Bên cạnh lợi thế là xe mới ra mắt và có thời gian đặt hàng trước khá dài, XForce lúc này còn được Mitsubishi ưu đãi khá mạnh tay để thúc đẩy doanh số.
Ngoài động thái giảm giá mạnh trong tháng 3 (chỉ còn khởi điểm từ 599 triệu đồng cho phiên bản GLX), xe còn đi kèm một số quà tặng kể từ tháng 4 này. Động lực cạnh tranh mạnh mẽ cũng đã giúp mẫu xe nhà Mitsubishi lọt vào top 3 xe bán chạy nhất Việt Nam trong cùng kỳ.
Về phần mình, Honda HR-V với 751 xe bán ra, cũng là thành tích đáng nể so với con số 282 xe của tháng trước đó, nhưng mới chỉ đủ để đứng ở vị trí khiêm tốn thứ 9 trong bảng xếp hạng tổng thể.
Trong khi đó, vị trí dẫn đầu thị trường đã trở lại với Xpander (1.582 xe bán ra), sau tháng 2 bị Ford Ranger vượt mặt. Xpander hiện cũng là một trong các mẫu ô tô hưởng nhiều ưu đãi nhất thị trường. Trong tháng 4, xe được hỗ trợ giá tương đương 50% phí trước bạ đối với phiên bản AT và MT xuất xưởng năm 2023; tặng camera 360 độ (trị giá 20 triệu đồng), phiếu nhiên liệu 25 triệu đồng (cho phiên bản AT Premium VIN 2024); tặng camera 360 độ và phiếu nhiên liệu 30 triệu đồng cho Xpander Cross…
Việc Mitsubishi Việt Nam lúc này áp dụng dày đặc ưu đãi cho Xpander còn bởi mẫu xe này chuẩn bị có bản nâng cấp. Theo thông tin ban đầu, Xpander thế hệ mới sẽ có thêm biến thể hybrid với mức giá cao hơn so với dải sản phẩm hiện nay (gồm 3 phiên bản từ 555-670 triệu đồng).
Ford Ranger tháng này giữ vị trí thứ 2 với doanh số 1.539 xe, tiếp tục dẫn trước khá xa so với các đối thủ trong phân khúc. Ngoài 6 phiên bản hiện hữu với giá từ 659-965 triệu đồng, Ranger từ tháng 4 có thêm biến thể mới là Stormtrak (giá từ 1,039 tỷ đồng), xếp trên Wildtrak.
Ba vị trí tiếp theo là cuộc đua “tam mã” truyền thống, gồm Honda City (1.043 xe, thứ 4), Hyundai Accent (967 xe, thứ 5) và Toyota Vios (934 xe, thứ 6).
Trong số này, sự trở lại của Vios trong bảng xếp hạng xe bán chạy là điều được dự đoán trước, sau một vài tháng mẫu xe này vắng bóng do Toyota điều chỉnh lại nguồn cung. Trước đó, tháng 2-2024, chứng kiến chỉ 170 xe Vios tới tay người tiêu dùng.
Mazda CX-5 (912 xe, thứ 7) và Ford Everest (899 xe, thứ 8) là hai mẫu xe vừa qua đều có thay đổi để tăng sức cạnh tranh. CX-5 hiện đã trở lại mốc giá khởi điểm hấp dẫn 749 triệu đồng, trong khi chiếc SUV Mỹ có thêm phiên bản mới là Platinum (1,545 tỷ đồng), được bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng vùng thông minh (ngoài xe), cần số điện tử, màn hình thông tin giải trí 12,4 inch, dàn âm thanh 12 loa B&O… và một số cải tiến trang trí nội thất khác.
Chốt cuối danh sách lần này là KIA Sonet (751 xe, thứ 10). Mặc dù đã có mặt trên thị trường khá lâu, mẫu xe này vẫn duy trì được ưu thế so với “lính mới” Hyundai Venue. Theo thống kê của TC Motor, tháng 3 mới ghi nhận chỉ 264 chiếc Venue tới tay khách hàng.
Có thể thấy, ngoại trừ Accent, hầu hết các mẫu xe bán chạy trong tháng này đều có doanh số vượt nhiều lần so với tháng 2-2024. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường ô tô trong nước bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh thuận lợi. Diễn biến sẽ được thể hiện rõ nét hơn khi các nhà sản xuất công bố kết quả kinh doanh tổng thể trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.