Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch thông tin, cải cách thủ tục giúp gỡ nút thắt kinh tế

Hương Ly| 27/05/2013 16:45

(HNMO) - Trao đổi với báo chí ngày 27-5 bên lề Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, niềm tin của DN đang suy giảm, thậm chí đã xuất hiện tư tưởng buông xuôi, chờ thời.



Trao đổi với báo chí ngày 27-5 bên lề Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, niềm tin của DN đang suy giảm, thậm chí đã xuất hiện tư tưởng buông xuôi, chờ thời. Tăng cường minh bạch thông tin và cải cách thủ tục hành chính là những giải pháp cần thực hiện nhằm kịp thời hỗ trợ DN và đưa nền kinh tế tứng bước thoát khỏi khó khăn.

Ông Cao Sĩ Kiêm.


- Ông nhận xét gì về những điểm “được” Chính phủ nêu tại Báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 và giải pháp thực hiện năm 2013?


Báo cáo của Chính phủ và những kết quả đã đạt được trên thực tế đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như chứng minh những giải pháp hỗ trợ DN, thị trường được đề ra khá sớm, cụ thể và toàn diện. Điều này đã khiến những kết quả phát triển KT-XH đã thực hiện được trong 3 tháng đầu năm 2013 có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế Quý I đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; thanh khoản các ngân hàng thương mại cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

- Vậy ông nhận xét gì về những điểm “chưa được” mà Chính phủ đã nêu tại bản Báo cáo?

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu những tồn tại, song nguyên nhân của những tồn tại này lại chưa được phân tích rõ. Tồn tại của chúng ta thể hiện ở việc hàng loạt DN đình trệ sản xuất, số DN làm ăn thua lỗ tăng và đang ở mức cao. Vấn đề đầu tư toàn xã hội đang giảm, vốn tín dụng tăng thấp trong 4 tháng vừa qua cũng như những tồn tại liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho của DN… đang đặt ra những thách thức rất lớn. Những khó khăn của nền kinh tế đã khiến lòng tin của DN với nền kinh tế thị trường đang sụt giảm, thậm chí đã xuất hiện tư tưởng buông xuôi, chờ thời và thúc thủ. Đấy là những tồn tại rất báo động cho khả năng thực hiện kế hoạch thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm nay cũng như những năm tiếp theo.

- Vậy ông nhận xét gì về việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH trong năm nay cũng như giai đoạn tiếp theo?

Về khả năng kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ đạt mục tiêu còn về mặt tăng trưởng thì rất khó. Khó khăn thậm chí không chỉ đến trong năm nay mà cả năm sau và những năm tiếp theo. Hiện khoảng cách về tăng trưởng GDP của Việt Nam và các nước ASEAN đang xa dần. Đây là vấn đề cần phân tích, thậm chí đáng báo động, bởi nó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của nước ta.

- Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, theo ông chúng ta cần làm gì để tháo gỡ những “nút thắt” kinh tế hiện nay?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các mặt “chưa được” là những khó khăn của nền kinh tế đã tích tụ từ nhiều năm, nên việc giải quyết phải thực hiện trong một thời gian dài chứ không thể làm ngay được. Những “nút thắt” của nền kinh tế: như nợ xấu, lãi suất cao, DN khó tiếp cận vốn… trên thực tế đã đề ra nhiều năm nay, song việc nêu giải pháp tháo gỡ và thực hiện còn chậm. Sự chậm chễ cũng thể hiện việc thiếu công khai minh bạch thông tin khiến niềm tin của người dân còn nhiều hạn chế. Minh bạch hóa thông tin, nỗ lực cải cách hành chính là con đường duy nhất giúp tháo gỡ những bất cập hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thông tin, cải cách thủ tục giúp gỡ nút thắt kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.