Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch quản trị đất đai

Đình Hiệp| 16/04/2023 06:56

(HNM) - Quản trị đất đai tại địa phương, đặc biệt là các vấn đề “nóng” như công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng luôn là chủ đề “nóng”.  Vấn đề này càng gây chú ý hơn trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2013 đang được Quốc hội sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi nhân dân nhằm điều chỉnh các hoạt động giao dịch, mua bán, thu hồi và bồi thường đất đai theo hướng công khai, minh bạch, sát với thị trường.

Báo cáo “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022” vừa công bố đã khảo sát về tỷ lệ thu hồi đất đai, khoảng cách giữa giá thị trường và giá đất bồi thường, nhận thức và sự tham gia của người dân vào kế hoạch sử dụng đất và hình thức sử dụng đất đai của người dân. Khảo sát cho thấy có tới 70% người trả lời không thể ước tính giá thị trường và giá đền bù thu hồi đất tại địa phương; chỉ có 20% người dân trả lời biết được quy hoạch đất đai ở địa phương mình - vấn đề rất đáng quan ngại bởi thiếu minh bạch là nguyên nhân xảy ra tham nhũng.

Khảo sát PAPI năm 2022 cũng chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ thu hồi đất đã giảm đáng kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, song thu hồi đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn vẫn là một vấn đề nổi cộm cần được giải quyết hiệu quả hơn để tăng cường tính minh bạch và bình đẳng trong tiếp cận thông tin đất đai. Một trong những nguyên nhân chủ yếu phát sinh đơn, thư là mức bồi thường thu hồi đất còn thấp. Khảo sát cho thấy sự khác biệt rõ nét khi mức chênh lệch giữa giá bồi thường thu hồi đất và giá thị trường ở khu vực nông thôn rất nhỏ, song mức chênh lệch ở khu vực đô thị khá lớn.

Đất đai là một trong những nguồn lực vật chất quan trọng bậc nhất, cung cấp không gian sinh tồn và tạo ra của cải vật chất, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là quốc gia đất chật, người đông khi nguồn lực đất đai vào loại thấp nhất thế giới nếu tính theo đầu người. Với 33,1 triệu héc ta đất tự nhiên, trong đó có 26,2 triệu héc ta đất nông nghiệp (bao gồm cả 13,2 triệu héc ta đất rừng phòng hộ và rừng có mục đích sử dụng đặc biệt), Việt Nam đứng thứ 156 trên thế giới và thứ 9 trong số các quốc gia ASEAN về phương diện diện tích đất theo đầu người.

Từ các số liệu khảo sát PAPI năm 2022 cũng như thực tiễn cho thấy, để minh bạch và hiệu quả trong quản trị đất đai thì trước hết cần thay đổi tư duy và tầm nhìn quản trị đất đai theo hướng đồng bộ, toàn diện, chiến lược, bền vững, công bằng và hiệu quả. Trong đó, tuyệt đối không để tư duy nhiệm kỳ, tư duy vun vén cá nhân, lợi ích nhóm làm phân hóa chiến lược quản trị đất đai.

Cùng với đó là sớm hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Vì thế, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cần tiếp tục được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá kiến nghị của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật đất đai. Trong đó, Luật Đất đai sửa đổi cần có tầm nhìn dài hạn, hạn chế việc sửa đổi những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, tình thế.

Điều quan trọng nữa là tăng cường các thiết chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan quản lý đất đai, cá nhân được giao thẩm quyền nhằm hạn chế hành vi lạm quyền, lợi dụng chức vụ tham nhũng. Có như vậy, quản trị đất đai mới thực sự minh bạch, hiệu quả và trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch quản trị đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.