Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch hạn mức tín dụng

Gia Khánh| 13/09/2022 05:59

(HNM) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã công bố cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại có tình hình tài chính lành mạnh, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương của Chính phủ. Hạn mức bổ sung dao động từ gần 1% đến 4%, tương đương với việc các ngân hàng có thể cho vay từ vài nghìn tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng. Mức điều chỉnh này cũng bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14%.

Việc “mở van” tín dụng giúp nguồn vốn ngân hàng phần nào được khơi thông bởi thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng trưởng tín dụng gần chạm “trần” hạn mức, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng thêm không đáng kể so với nhu cầu vốn thực tế.

Thậm chí, việc đặt ra hạn mức tín dụng là không hợp lý, mang dáng dấp quản lý bao cấp và can thiệp vào hoạt động của ngân hàng thương mại. Mặt khác, cơ chế hạn mức tín dụng cũng không xử lý triệt để một số vấn đề, chẳng hạn như chạy đua tăng lãi suất.

Ở chiều ngược lại, việc tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, thay vì thả lỏng đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế, mà điển hình là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Từ năm 2012, hệ thống ngân hàng thương mại đã bắt đầu giai đoạn phát triển ổn định. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm từ hơn 30%/năm xuống 12-14%/năm, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì. Dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng, mỗi ngân hàng thương mại phải cạnh tranh theo phân khúc khách hàng của mình kết hợp với kiểm soát tín dụng, giúp ngân hàng quản lý chất lượng hoạt động và gia tăng thu nhập từ các sản phẩm tài chính khác. Bỏ hạn mức tín dụng lúc này có thể khiến các ngân hàng thương mại sẽ quay lại việc phát triển theo chiều rộng, khi đó hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro cao.

Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc này là việc công khai, minh bạch và rõ tiêu chuẩn khi cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, để tránh câu chuyện xin - cho. Cùng với đó, cần xem xét cơ chế xử lý đối với ngân hàng thương mại không tuân thủ hạn mức tăng trưởng tín dụng. Suy cho cùng, hạn mức tăng trưởng tín dụng là cơ chế để bảo đảm sự ổn định nên việc sử dụng phải hướng đến mục tiêu đó mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Hạn mức tín dụng như phanh hãm để các ngân hàng giới hạn cấp tín dụng cho lĩnh vực ẩn chứa nhiều rủi ro, đồng thời lại kích hoạt sự cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng khi ngân hàng có mô hình quản trị tốt, tiên phong hỗ trợ làm lành mạnh hóa thị trường, hỗ trợ giải quyết tổ chức tín dụng yếu kém, sẽ có thể được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Với cơ quan quản lý, việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng còn thể hiện vai trò định hướng nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế là tạo ra tăng trưởng. Chính nhờ sự ổn định của hệ thống ngân hàng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có lợi thế trong việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt trong bối cảnh nhiều bất ổn từ dịch bệnh cũng như tác động từ bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước.

Việc bỏ hạn mức tín dụng để trả hệ thống ngân hàng về cơ chế thị trường phải được xem xét một cách tổng thể, có thể tính đến khi các ngân hàng đã đủ các điều kiện bảo đảm phát triển bền vững, khi nhiều kênh vốn khác được hình thành, tín dụng ngân hàng không phải gánh cả những khoản vay trung - dài hạn... Và hơn hết là không còn những hệ lụy tiềm ẩn có thể phá vỡ tính ổn định đang có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hạn mức tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.