Mưa lũ tại miền Trung những ngày vừa qua đã làm 3 người mất tích, nhiều ngôi nhà bị ngập, đường bị sạt lở… Những ngày tới, mưa lũ còn tiếp diễn, các tỉnh miền Trung tập trung khắc phục hậu quả, triển khai biện pháp ứng phó.
Sáng nay (15-11), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, 3 ngày vừa qua, các tỉnh, thành phố miền Trung đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 250-450mm.
Đặc biệt, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến 500-600mm, một số nơi ghi nhận lượng mưa lớn hơn, như Trạm thủy văn Thượng Lộ 829mm, Khe Tre 702mm, Thượng Nhật 743mm…
Ứng phó với mưa lớn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã di dời 351 hộ dân thuộc các huyện: Nam Đông, Phú Lộc, thành phố Huế; tỉnh Quảng Trị sơ tán 448 hộ dân…
Các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị đã thông báo cho học sinh nhiều trường nghỉ học trong ngày 14 và 15-11; đồng thời chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát phương án ứng phó mưa lũ, sơ tán dân; cử lực lượng hỗ trợ, điều tiết bảo đảm an toàn giao thông, nhất là các khu vực ngập lụt, gây ách tắc giao thông…
Tuy nhiên, mưa lũ lớn đã làm 3 người mất tích (tại tỉnh Quảng Trị); 36 phường, xã thuộc thành phố Huế và các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngập từ 0,3-0,8m; 1.259 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Trị và 83 ngôi nhà ở thành phố Đà Nẵng bị ngập; 17 ngôi nhà ở tỉnh Hà Tĩnh bị tốc mái…
Ngoài ra, mưa lũ còn làm ngập, sạt lở, ách tắc giao thông nhiều tuyến quốc lộ: 1A, 49B (đoạn tỉnh Thừa Thiên - Huế), 40B (tỉnh Quảng Nam), 9C, 9B, 15 (tỉnh Quảng Bình), 14G (Đà Nẵng)…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ hôm nay (15-11) đến đêm 16-11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận mưa 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm. Từ đêm 15 đến chiều 16-11, khu vực từ phía Nam tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn 200mm.
Trước diễn biến trên, sáng 15-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã họp và đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên tiếp tục rà soát, di dời, sơ tán người dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại nơi sơ tán và khu vực bị ngập lụt kéo dài…
Cùng với nhiệm vụ trên, các địa phương vùng thiên tai bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn.
Các tỉnh tiếp tục triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương, giáo viên, học sinh tại các khu vực xảy ra ngập lụt. Chủ động xử lý các khu vực sạt lở gây ách tắc giao thông để bảo đảm thông tuyến và dọn dẹp, vệ sinh môi trường sau khi nước rút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.