(HNMNN) - Đầu năm nay, một clip dài 15 giây xuất hiện trên không gian mạng, được cho là có liên quan tới một nữ sinh đại học ở thành phố Hồ Chí Minh bị cưỡng bức tập thể và đã nhảy lầu tự tử. Clip được lan truyền với tốc độ khủng khiếp và được các phần tử xấu lợi dụng để đưa ra những nhận định sai trái nhằm bôi xấu xã hội. Sự việc chỉ dừng lại khi “nữ chính” trong câu chuyện được thêu dệt kia xuất hiện trong một buổi họp báo, cho thấy thông tin nói trên là sai sự thật...
Mới đây, thông tin về việc chỉ cần nghe điện thoại có đầu số lạ là tài khoản cá nhân lập tức bị trừ tiền cũng được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia đã khẳng định, đây hoàn toàn là thông tin sai sự thật và hành động chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, cắt ghép thông tin nhằm gây ho-ang mang trong dư luận là hành động đáng lên án...
Tin giả, trong từ điển tiếng Anh và truyền thông quốc tế gọi là fake news, có nghĩa là tin rác, tin giả mạo. Vì là tin bịa đặt nên trước khi thông tin được đưa lên mạng xã hội, người ta sẽ “thêm mắm, thêm muối” cho ly kỳ, hấp dẫn nhằm dễ dàng đánh vào xúc cảm, tâm lý của những người tiếp nhận. Hậu quả là loại tin này làm suy giảm niềm tin của công chúng vào các cơ quan báo chí, khiến cho công chúng không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy để tiếp nhận. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội, phản động cũng thường lợi dụng dạng tin này để tiến hành chống phá, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước của quần chúng nhân dân.
Chính vì thế, trước sự bùng nổ của mạng xã hội, đối mặt với nguồn thông tin khổng lồ mỗi ngày, mỗi người dân cần trang bị cho mình một “hệ thống miễn dịch” đủ mạnh để miễn nhiễm với các nguồn tin độc hại. Và, cách tốt nhất để xây dựng một cộng đồng mạng thông thái chính là nâng cao nhận thức về các vấn đề trong đời sống văn hóa, xã hội; thường xuyên cập nhật thông tin qua các kênh thông tin chính thống; trang bị cho mình sự hiểu biết về Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông... Khi người dân tiếp cận được càng nhiều thông tin chính thống trên không gian mạng thì “sức đề kháng” của họ trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch sẽ ngày càng được nâng cao và dần “tự miễn dịch” trước những luồng thông tin đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.