(HNM) - Tổng thống Mexico Enriquez Pena Nieto vừa đề xuất cải cách ngành dầu khí quốc gia. Theo đó, các công ty nước ngoài có thể hợp tác trở lại với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Mexico (Pemex).
Cụ thể, dự luật đề xuất sửa đổi điều khoản 27 trong Hiến pháp Mexico - điều khoản nghiêm cấm chính phủ trao quyền khai thác và chia sẻ sản xuất dầu khí cho các công ty tư nhân - để cho phép các công ty tư nhân nước ngoài liên doanh với Pemex khai thác và sản xuất năng lượng. Theo sự điều chỉnh trên, điều 28 của Hiến pháp cũng sẽ được sửa đổi nhằm cho phép Pemex bắt tay với các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực lọc và dự trữ hóa dầu. Bên cạnh đó, Chính phủ của Tổng thống Nieto cũng chủ trương tái cơ cấu hệ thống thuế, vốn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Pemex. Đây có thể coi là sự thay đổi lớn trong ngành dầu khí Mexico, chấm dứt sự độc quyền kéo dài 75 năm của Pemex; đồng thời giúp quốc gia Bắc Mỹ này tăng sản lượng dầu mỏ và khẳng định vị trí trên bản đồ "vàng đen" toàn cầu.
Pemex là tập đoàn sản xuất dầu khí khổng lồ đóng góp 1/3 tổng thu nhập quốc dân và có vai trò đầu tàu trong nền kinh tế Mexico. Từ khi được quốc hữu hóa năm 1938, ngành dầu khí có một vị thế đặc biệt tại Mexico. Và từ đó, bất kỳ kế hoạch nào cho phép người nước ngoài sở hữu dầu thô đều lập tức vấp phải sự phản đổi mạnh từ những nhà làm luật cánh tả và theo chủ nghĩa truyền thống tại Quốc hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng của Pemex đã giảm xuống 2,5 triệu thùng/ngày từ mức đỉnh 3,4 triệu thùng vào năm 2004 vì các giếng dầu cũ đang cạn dần. Pemex cũng gặp phải những chỉ trích về nạn tham ô và hoạt động thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành này còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt trang thiết bị phục vụ thăm dò, khai thác các giếng dầu ở khu vực nước sâu cũng như chiết xuất khí đá phiến. Trong bối cảnh nguồn thu chính của đất nước đang bị giảm sút nghiêm trọng, các chính khách của quốc gia Bắc Mỹ cũng tranh cãi với nhau về những biện pháp cải cách mà nếu được thực hiện sẽ cho phép các công ty nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào các dự án của Pemex. Nhưng, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã phản đối hầu hết những kế hoạch đầu tư của nước ngoài mà họ xem là hành động dẫn tới tư nhân hóa Pemex. Các nghị sĩ cho rằng dự luật mới sẽ dẫn tới việc bán một phần Pemex và đe dọa chủ quyền quốc gia.
Trước sự phản đối của những người quan ngại tư nhân hóa, Tổng thống E.Nieto cho biết, ông không hề có ý định như vậy với Pemex nhưng muốn tư nhân đầu tư nhằm hiện đại hóa Pemex. Từ khi lên nắm quyền tháng 7-2012, Tổng thống E.Nieto đã muốn "đại tu" Pemex như một phần của chiến lược cải cách kinh tế nhằm thúc đẩy tập đoàn dầu khí lớn thứ 2 tại Mỹ Latinh (sau Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil) đến một kỷ nguyên mới, để cạnh tranh tốt hơn với ngành năng lượng của Mỹ và Canada. Kế hoạch cải cách năng lượng táo bạo của Tổng thống E.Nieto nhằm nâng cao sản lượng dầu khí và giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp chế tạo của Mexico. Theo ông E.Nieto, các đề xuất mới sẽ giúp ngành dầu mỏ Mexico nâng sản lượng khai thác hiện nay từ 2,5 triệu thùng/ngày lên 3 triệu thùng/ngày vào năm 2018 và tiến tới 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 2025.
Nếu được thông qua thành luật, cải cách được mong đợi sẽ mang về hàng chục tỷ USD nguồn vốn đầu tư nước ngoài, sẽ hỗ trợ đáng kể ngành năng lượng nói riêng và cả nền kinh tế Mexico nói chung. Trước "viễn cảnh" Mexico, nhiều tập đoàn dầu mỏ trên thế giới đang dõi theo dự luật "sinh lời" ở Bắc Mỹ này như một lực hấp dẫn trước các nhà đầu tư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.