Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹo tiết kiệm chi tiêu dịp Tết

Theo An San| 16/01/2015 14:58

Lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, săn hàng khuyến mãi, sắm Tết sớm, tự chế biến thực phẩm... là những bí quyết chi tiêu tiết kiệm dịp cuối năm.

Cuối năm là thời điểm tiêu tốn tiền bạc của phần lớn các gia đình. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn, lương thưởng hạn chế, nhiều gia đình than thở không đủ ngân sách để chuẩn bị một cái Tết trọn vẹn. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn sắm sửa đầy đủ và tiết kiệm.

Lập danh sách chi tiêu

Đây là bước đầu tiên bạn cần làm trước khi mang tiền đi tiêu, đặc biệt là phụ nữ. Hầu hết chị em đều cảm thấy cần phải mua rất nhiều thứ, dù không cần thiết. Để tránh việc chi tiêu quá đà, bạn cần xác định danh mục hàng hóa và dự trù ngân sách hợp lý cho các khoản quà cáp, tiền mừng tuổi, mua sắm đồ đạc, sửa nhà, thực phẩm, đi lại, du lịch, giải trí…

Sau khi hoàn thành danh sách, bạn nên kiểm tra lại vài lần và gạch bỏ những mục chưa hợp lý với nhu cầu, thu nhập và túi tiền hiện có. Trên tinh thần vui hôm nay không quên ngày mai, các gia đình nên dành một khoản tiền nhỏ cho giai đoạn ra Giêng (sau Tết). Bởi, nếu không có kế hoạch, sau Tết sẽ rơi vào cảnh cháy túi.

Đơn giản hóa Tết

Để tiết kiệm chi tiêu, các bà nội trợ cần cân nhắc việc tận dụng các dụng cụ cũ như khay đựng mứt, bánh kẹo vẫn còn dùng tốt. Không nên đổi một cái mới chỉ vì mẫu mã của nó nhìn đẹp, sang trọng hơn cái ở nhà. Ngoài ra, người tiêu dùng phải luôn nhớ tiêu chí mỗi năm Tết có một lần, ngoài Tết Nguyên đán, trước đó còn Tết Tây, lễ hội Noel do vậy cần bớt và giản tiện đến mức tối đa. Bên cạnh đó, chị em nên rút kinh nghiệp từ các dịp Tết trước để cân nhắc mua sắm để tránh lãng phí không cần thiết. Đồng thời đừng quên giữ "tinh thần thép" khi đi mua sắm, tránh chi tiêu theo cảm xúc.

Săn hàng khuyến mãi

Làm công ăn lương, kinh tế của gia đình chị Lan Anh (nhân viên lễ tân, Hà Nội) chẳng mấy dư giả. Ngay khi có thưởng Tết, chị quyết định sắm một chiếc xe đạp điện để đi làm, thay cho chiếc xe máy cũ thường xuyên hỏng hóc và tốn xăng. Nhờ lùng sục các chương trình khuyến mại, chị Lan Anh đã tiết kiệm được một triệu đồng so với giá niêm yết hơn 12,5 triệu đồng khi mua chiếc xe đạp điện chạy pin Lithium – loại pin vốn được dùng trên iPhone đi được quãng đường khá xa hiệu HKbike. 


Phần lớn các hãng xe điện, siêu thị điện máy, gia dụng, thời trang... thường ưu đãi và giảm giá mạnh cuối năm. Đây là những mặt hàng có giá trị cao, nhưng tiện dụng và thiết yếu. Ngân sách chi tiêu có thể giảm đáng kể nếu bạn săn hàng khuyến mãi mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn cũng nên kiểm tra giá cả và chất lượng trước khi mua hàng, tránh mua hớ, hàng lỗi hoặc mắc bẫy nâng giá của một số chủ kinh doanh.

Kinh nghiệm săn hàng giá tốt này được chị Lan Anh đúc kết sau nhiều lần mua sắm. Mẹo của chị Lan Anh là chọn mua xe điện của những hãng uy tín, thường điều chỉnh giá bán sát với chi phí sản xuất và hiếm khi triển khai các chương trình khuyến mại, chưa kể chế độ bảo hành, hậu mãi của họ cũng chuyên nghiệp hơn.

Lên kế hoạch di chuyển

Thời điểm này, hầu hết các hãng hàng không, tàu lửa, xe khách đều áp dụng giá vé Tết cao. Tuy nhiên, vé sẽ còn tăng giá và khan hiếm trong những ngày cận Tết. Nếu đã có kế hoạch di chuyển cụ thể, bạn nên mua vé ngay từ bây giờ. Trong trường hợp không chắc chắn về ngày, giờ đi, bạn nên tránh mua vé máy bay không thể hoàn đổi hoặc trả vé tàu xe quá muộn.

Các tour du lịch cũng thường tăng giá vào dịp cuối năm và đầu năm mới do ảnh hưởng của chi phí đi lại. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể "đổi gió" cùng gia đình bằng cách thuê ôtô, chuẩn bị đồ ăn và mời thêm bạn bè, người thân cùng tham dự.

Anh Hoàng Hải, hướng dẫn viên một công ty du lịch chia sẻ du lịch dịp Tết không nên mang quá nhiều tiền mặt theo người. Du khách có thể mang ATM, thẻ tín dụng khi đi du lịch. Trong một số tình huống bất khả kháng phải mang theo tiền mặt du khách cần lưu ý trong việc giữ tiền bạc. Ngoài ra, du khách cần tìm hiểu trước thông tin về điểm đến (phong tục, thời tiết,…) để có được sự chuẩn bị phù hợp và không quên mang theo một số thuốc gia đình như thuốc chống say tàu xe, thuốc đau bụng, thuốc nhức đầu...

Sắm Tết sớm

Trong những ngày cận Tết, nhiều hàng hóa thường tăng giá do sức mua tăng lên, nguồn cung khan hiếm, chủ yếu là các loại thực phẩm, bánh kẹo, chè, mứt, hoa quả khô, măng, miến… Sau 3 ngày nghỉ lễ, giá các mặt hàng thường trở về mức bình thường. Vì vậy, bạn nên mua sắm trước Tết nhiều tuần, cất thực phẩm khô nơi khô ráo, bảo quản "mâm ngũ quả" trong ngăn mát tủ lạnh hoặc đồ tươi sống ngăn đá (bật mức làm lạnh cao nhất).

Bà Lan, 62 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội chia sẻ kinh nghiệp mua sắm của mình là đối với những thực phẩm cho ngày Tết bảo quản và dự trữ được lâu như bánh kẹo, quà Tết, đồ trang trí, rượu bia… nên được mua sắm từ sớm còn những loại thực phẩm thì mua một tuần trước Tết.

Mua thực phẩm từ sớm và chế biến, bảo quản kỹ càng.


Ngoài ra, các bà nội trợ có thể mua trước các loại gia vị, đồ dùng gia đình nếu săn được khuyến mãi; sưu tầm hoặc đổi tiền lì xì từ sớm... Việc này cũng giúp bạn tránh được việc chen lấn và chờ đợi tại các siêu thị, cửa hàng.

Tự chế biến thực phẩm Tết

Các loại thực phẩm Tết như dưa hành, bánh quy, giò tai, bánh chưng, mứt Tết, rau mầm… khá dễ làm. Chị em có thể tìm kiếm công thức trên mạng, chế biến khi rảnh rỗi, chia nhỏ và dự trữ nhiều tuần trong ngăn đá tủ lạnh. Cách làm này không chỉ tiết kiệm chi phí, đảm bảo vệ sinh mà còn giúp trau dồi tay nghề nội trợ.

Một cách để mua được nguồn nguyên liệu sạch và rẻ là tới các chợ đầu mối, chợ quê. Để bù đắp chi phí vận chuyển, bạn có thể chung tiền với đồng nghiệp, bạn bè để mua thực phẩm với số lượng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹo tiết kiệm chi tiêu dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.