(HNM) - Tưởng niệm một năm ngày mất
Có những tác phẩm đã trở thành di sản văn học, nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ viết văn, và cũng có những trang viết mới xuất hiện cho thấy những góc tinh tế, sức viết, sức nghĩ của một cây bút lớn.
Có thể kể ra bộ tác phẩm gồm "Chiều chiều", "Cát bụi chân ai", "Quê người", "Miền Tây", "Quê nhà", "Ba người khác", "Mười năm", "Chuyện cũ Hà Nội" (2 tập), "Giấc mộng ông thợ dìu", "Những ngõ phố", "Chiếc áo xường xám màu hoa đào", "Chuyện để quên", "Khách nợ", "Ký ức Đông Dương", "Ký ức phiên lãng". Số tác phẩm này bao gồm nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, tập truyện ngắn đến bút ký…
Bạn đọc nhiều thế hệ đã từng biết bộ ba tiểu thuyết "Quê nhà", "Quê người", "Mười năm", không chỉ vì đây là 3 trong số những tác phẩm gắn liền với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt I đã được trao cho ông, mà đơn giản còn bởi đó là những trang viết đã gói trọn một giai đoạn lịch sử trước Cách mạng Tháng Tám. "Quê nhà", "Quê người" như nỗi khắc khoải về số phận của những con người nghèo khổ, vật vã trong cái đói, trong sự khốn đốn của làng quê bị chiếm đóng; và về chân dung của những anh hùng vô danh vốn chỉ quen cày cuốc, nay bị áp bức đã vùng lên đấu tranh… Dịp này, tiểu thuyết "Miền Tây" (ông viết từ năm 1965) với những dòng chữ chắt chiu cảm nhận có từ mỗi chuyến đi, từ sự thấu hiểu con người vùng đất Tây Bắc, cũng sẽ trở lại với bạn đọc trong một ấn bản mới.
Bên cạnh tiểu thuyết, Tô Hoài còn là tác giả của những truyện ngắn đặc sắc mà ở đó, điều đọng lại trong bạn đọc là một Hà Nội của ngày xưa, của riêng Tô Hoài. Như "Khách nợ", nhẹ nhàng mà xa xót, gợi lại ký ức về những con người, cảnh đời ở làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám…
Nhưng, khi đọc Tô Hoài thì hồi ký, bút ký vẫn là mảng viết mà dù đọc mãi vẫn không hiểu đầy đủ về những điều mà tác giả gửi gắm. Có phải bởi như nhà văn Trần Chiến từng nhận xét: "Giờ nhiều người viết coi thường sự kể, trọng triết lý, tìm kết cấu lạ dường như là một cực ngược với cách làm của Tô Hoài. Cứ kể tưng tửng, chả "đặt tên", cắt nghĩa cho tình tiết, sự kiện, để người đọc tự làm lấy việc này, là cách ông muốn chăng?... Có được tâm thế viết như vậy phải tự tin lắm"? Cũng vậy, như khi đọc Tô Hoài rồi đọc bài viết của Vũ Quần Phương "Ngày xưa có ông Tô Hoài" để nghe lại chuyện nhà văn và tác phẩm, cảm thấy thật thú vị.
Trong bộ sách này còn hai cuốn bút ký "Ký ức Đông Dương" và "Ký ức phiên lãng" lần đầu tiên xuất bản dưới dạng tác phẩm độc lập theo bản chỉnh sửa mới nhất mà nhà văn Tô Hoài trao lại cho gia đình. Đó là những trang viết đặc biệt về những vùng đất, con người trên thế giới mà nhà văn Tô Hoài đã đi qua. Có thể xem như những "du ký" thời nay vậy, tất nhiên là theo góc nhìn, lối kể đặc sắc của Tô Hoài.
Có thể nói, nhìn lại bộ sách của nhà văn Tô Hoài, cảm nhận rõ ta như được gặp lại "ông Dế Mèn" khi thâm trầm, hóm hỉnh khi thong thả, man mác buồn… ở rất nhiều giai đoạn khác nhau. Một "Miền Tây" là Tô Hoài viết những năm 1960, còn "Chuyện cũ Hà Nội" là năm 1980, "Cát bụi chân ai" ra đời năm 1992, "Ba người khác" là đã sang thế kỷ XXI, cho thấy sự dẻo dai của một ngòi bút tinh tế, mẫn tiệp.
Thế nên, đã một năm Tô Hoài về với cát bụi nhưng người như còn đó, trong mênh mang trang viết để đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.