Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mệnh lệnh trong trái tim!

Đan Nhiễm| 26/10/2020 06:22

(HNM) - Công tác giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, một trong ba chỉ tiêu đã hoàn thành sớm 2 năm chính là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,64% tổng số hộ dân (65.377 hộ) vào năm 2016 xuống chỉ còn 0,42% tổng số hộ dân (khoảng 8.754 hộ) vào cuối năm 2019.

Thành phố có 12 quận, huyện, gồm: Ba Ðình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hà Ðông, Ðông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức không còn hộ nghèo. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng 7.565 nhà ở cho hộ nghèo trong giai đoạn 2016-2020. 9 tháng năm 2020, gần 400 ngôi nhà Đại đoàn kết được xây dựng; hàng nghìn hộ nghèo được vay vốn, hỗ trợ về giống, phương tiện sản xuất, khám chữa bệnh, được nhận những phần quà hỗ trợ, động viên kịp thời...

Kết quả quan trọng đó cho thấy những giải pháp Hà Nội đưa ra nhằm giảm nghèo bền vững đã và đang đi đúng hướng, tạo điều kiện để tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2020 (từ ngày 17-10 đến 18-11) của thành phố sớm tiếp nhận thêm nhiều nguồn lực.

Trên thực tế những ngày qua, “tương thân, tương ái” là mạch nguồn sâu dày, là tinh thần truyền đời của dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ. Từ các thôn, tổ dân phố đến cấp thành phố, nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ người nghèo đã được tổ chức dưới nhiều hình thức, kết hợp với ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ, thiên tai.

Tuy nhiên, một trong những câu hỏi luôn được đặt ra là trong chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung, người nghèo nói riêng nên trao tặng “con cá” (tiền, hàng hóa…) hay trao “cần câu” (hỗ trợ sinh kế để tự thoát nghèo…)? Thiết nghĩ, cần căn cứ vào hoàn cảnh của từng đối tượng để đưa ra phương án phù hợp. 

Thực tiễn công tác giảm nghèo cho thấy, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo đã và đang được thành phố Hà Nội áp dụng hiệu quả. Để nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng, hằng năm, các địa phương điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, sau đó phân tích, tổng hợp nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của từng hộ, từng nhóm đối tượng, làm căn cứ đề xuất giải pháp trợ giúp. Với những thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo còn khả năng lao động, luôn được ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề sát với nhu cầu thị trường lao động rồi hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp, tìm việc làm phù hợp. Đây là cách làm căn cốt để giảm nghèo bền vững cần tiếp túc đẩy mạnh thời gian tới.

Ngoài các chính sách đã triển khai, ngày 8-7-2019, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND về “Một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội”. Mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này bằng mức chuẩn nghèo (1,4 triệu đồng/người/tháng ở thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn). Kinh phí để thực hiện chính sách này khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm. Cho dù trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thành phố vẫn sẽ bảo đảm duy trì nguồn lực này.

Triển khai tốt những chương trình, dự án, chính sách về giảm nghèo; thực hiện linh hoạt giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp cho từng đối tượng; xử lý nghiêm những trường hợp tham ô nguồn hỗ trợ này (nếu có)... - là những giải pháp quan trọng. Song quan trọng không kém là bản thân các hộ nghèo cũng phải quyết tâm nỗ lực vươn lên bằng năng lực của mình thông qua chủ động học nghề, tìm việc làm, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh...

Cuộc sống không ngừng phát triển; nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội sẽ ngày càng khó khăn hơn. Để tháng cao điểm “Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt mục tiêu, đòi hỏi cả hệ thống chính trị đoàn kết, đồng lòng, có cách làm chủ động, sáng tạo; nỗ lực huy động nhiều nguồn lực và sử dụng nguồn lực hỗ trợ người nghèo hiệu quả. Những chính sách ưu việt cần được phát huy, đồng thời những bất cập nên được đúc rút để tìm giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, cần kịp thời tôn vinh những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác xóa nghèo; tuyên truyền để nhân rộng các điển hình, mô hình đã thoát nghèo thành công.

Xác định rõ quyết tâm, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã thiết kế riêng một chương trình công tác toàn khóa về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Trong đó mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Phát biểu tại chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, tổ chức ngày 17-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”.  

Hà Nội đã, đang và sẽ phấn đấu đi đầu cả nước trong công cuộc xóa nghèo, để xây dựng một Thủ đô yên bình, hạnh phúc. Chung tay, góp sức cùng chính quyền thành phố phấn đấu cho mục tiêu cao cả nói trên là mệnh lệnh trong trái tim mỗi người Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mệnh lệnh trong trái tim!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.