Một thủ đô “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”, một nước Việt Nam sánh vai với bè bạn năm châu - niềm mong mỏi của Bác Hồ kính yêu chưa bao giờ ngừng thôi thúc trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Từ mùa xuân năm 1930, thêm mỗi xuân qua, bằng niềm tin, tình yêu và sự dựng xây, người dân Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, đưa Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng Việt Nam hùng cường.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội trở về với vai trò là Thủ đô, đặt nhiệm vụ tái thiết, đưa thành phố có tên gọi mang ý nghĩa “phía trong sông” phát triển xứng tầm với sự mong mỏi và tin yêu của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ thành phố đã 4 lần chỉ đạo thành công việc thay đổi địa giới hành chính Thủ đô vào các năm 1961, 1978, 1999 và 2008.

Tùy vào yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ, mỗi kỳ điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô mang một sứ mệnh lịch sử khác nhau. Nhưng trong 4 lần đó, hai lần điều chỉnh cuối là những dấu ấn thật đặc biệt, khi vào năm 1999 là lần duy nhất địa giới hành chính Hà Nội được thu hẹp lại và vào năm 2008 là lần mở rộng địa giới lớn nhất, đưa Hà Nội trở thành thủ đô đứng thứ 17 thế giới về diện tích.

Quy hoạch phân khu tại khu vực đô thị trung tâm

Với nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, ký ức về lần điều chỉnh địa giới năm 1991 bắt nguồn từ mong muốn thật lớn lao mà lại vô cùng cấp thiết khi đó, là làm sao để Hà Nội phát triển đến nơi đến chốn. Cơ chế bao cấp cộng với diện tích ngoại thành gấp 49 lần nội thành, dân số ngoại thành gấp 2 lần nội thành, khiến Hà Nội mang tính chất của một tỉnh nông nghiệp, bị bó buộc trong sự manh mún, trì trệ và kém phát triển.

“Mục đích của Trung ương và thành phố là dồn sức cho Hà Nội phát triển đô thị. Cá nhân tôi và tập thể lãnh đạo thành phố mừng vui khi Hà Nội thu hẹp địa giới, không phải bởi sẽ bớt việc, nhẹ việc đi, mà chính là từ lâu đã khao khát Thủ đô có điều kiện tập trung nguồn lực để phát triển nông nghiệp 5 huyện ngoại thành và phát triển hệ thống công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp manh mún tại 4 quận nội thành đến nơi đến chốn”, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt minh mẫn kể.

Sau điều chỉnh địa giới hành chính, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Hà Nội tập trung vào hai nhiệm vụ trọng tâm và then chốt là phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng Đảng. Dấu ấn sâu sắc với vị Bí thư Thành ủy Hà Nội giai đoạn này chính là đã mạnh dạn xóa bỏ cơ chế bao cấp tem phiếu, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Sức sản xuất trong dân được khuyến khích để bung ra nhanh chóng, giải quyết vấn đề cấp bách lúc đó là cung cấp nguồn lương thực dồi dào. Tôi nhận nhiệm vụ về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1988 thì cuối năm 1989, chúng ta bỏ hết tem phiếu mà vẫn đủ lương thực, hàng hóa tiêu dùng. Cuối năm 1990, thành phố gần như không phải lo gạo nước, nhu yếu phẩm cho nhân dân”, đồng chí Phạm Thế Duyệt vẫn lâng lâng cảm xúc hân hoan của ngày nào khi nhớ lại.

Hơn 15 năm sau dấu mốc 1991, yêu cầu điều chỉnh địa giới Thủ đô lại được đặt ra khi Hà Nội phải giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc và tình trạng quá tải, mất cân đối ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Nhưng lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008 không hề dễ dàng, dù biết chắc quyết định lịch sử này sẽ tạo nền móng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của Thủ đô.

► Nhìn lại 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội
Videographic: Nguyễn Đông

Là người đứng đầu thành phố trong giai đoạn này, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị không khi nào quên về hàng loạt khó khăn, lo lắng đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền thủ đô đón nhận và giải quyết những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao phó: Liệu Hà Nội có đủ khả năng quản lý, bao quát được khối lượng công việc to lớn và khó khăn đang đòi hỏi được giải quyết?

Ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, với phương châm “đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, tất cả vì công việc chung, vì sự phát triển của Thủ đô, lãnh đạo cấp ủy hai Đảng bộ Hà Nội và Hà Tây đã khẩn trương triển khai hàng trăm, hàng nghìn đầu việc.

“Trong một thời gian rất ngắn, toàn bộ hệ thống chính trị đã khẩn trương bắt tay vào việc, làm việc không quản ngày nghỉ, quyết tâm chạy đua với thời gian để đúng ngày 1-8-2008, khi kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây chính thức đánh dấu hoàn thành việc sáp nhập thì bộ máy, tổ chức và cán bộ của thành phố Hà Nội mở rộng ngay lập tức hoạt động suôn sẻ, trơn tru”, đồng chí Phạm Quang Nghị nhớ lại.

Không gian làm việc chung tại không gian sáng tạo Creative lab by up Lương Yên, Hai Bà Trưng

Trong cảm nhận của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội qua 2 nhiệm kỳ, sự đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, trong hành động luôn đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất cũng như việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ và sự trưởng thành, lớn mạnh, phát triển của đội ngũ cán bộ, đảng viên có thể coi là ‘đặc sản”, làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thành phố những năm này.

Và tại kỳ họp hợp nhất, ngay sau khi ra mắt HĐND thành phố trên cương vị Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Thế Thảo đã xúc động chia sẻ với báo giới, việc đầu tiên thành phố cần làm sau hợp nhất là quan tâm tới những vùng khó khăn, đặc biệt khi có tới 60% dân số sống ở nông thôn - khu vực chiếm tới 2/3 diện tích của thành phố.

Trở thành công dân mới của thành phố nằm trong số 60% ấy, có thể, niềm vui với anh Lê Quang Dương hay người dân xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ khi chứng kiến những cột mốc giới ngăn chia địa phận Hà Nội – Hà Tây được hạ xuống còn đơn giản. Bởi ít ai có thể mường tượng, không phải chờ đợi quá lâu, niềm vui lớn hơn đã đến với họ, hiện hữu cụ thể qua những cánh đồng “dồn điền đổi thửa” rộng lớn, những đường làng, ngõ xóm khang trang và cơ hội nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần. Quan trọng hơn cả, họ đổi đời nhờ chính công sức đổ ra trên mảnh đất quê hương với tất cả sự quan tâm tròn trịa, đủ đầy của Đảng bộ thành phố.

Dáng vóc, vị thế của thành phố “phía trong sông” và sự đổi đời của hàng triệu cư dân Thủ đô sau hơn một thập kỷ có ý nghĩa hơn bất kỳ sự tổng kết, tán dương nào.

Năm 2008, thời điểm Hà Nội thực hiện cuộc mở rộng địa giới lớn nhất, mang tính lịch sử thì Lê Quang Dương bước vào tuổi 23, không có nghề nghiệp ổn định. Lập gia đình xong, anh từ bỏ việc phụ hồ và đặt hy vọng thoát nghèo vào nghề trồng hoa.

Sau nhiều gian nan buổi đầu vay 70 triệu đồng làm vốn lập nghiệp đã gặp thất bại mất trắng, Dương tiếp tục bám nghề, rút kinh nghiệm qua thất bại mùa trước để dần được “ăn” từ những vụ hoa sau.

Đầu năm 2020, Dương vững tin hơn khi lưng vốn tích góp đã lên tới vài tỷ đồng. Anh đã xây được nhà mới, chăm lo cuộc sống đủ đầy cho bố mẹ, vợ con. Nhà vườn của Dương tạo thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/tháng cho hàng chục lao động trong thôn.

Sự chuyển mình của những huyện đang phấn đấu thành quận
Huyện Gia Lâm
Huyện Gia Lâm
Huyện Hoài Đức
Huyện Hoài Đức
Huyện Hoài Đức
Huyện Đông Anh
Huyện Đông Anh
Huyện Thanh Trì
Huyện Thanh Trì
Huyện Đan Phượng
Huyện Đan Phượng
Huyện Đan Phượng

Nghề trồng hoa mà Dương khởi xướng đang giúp thay đổi bộ mặt thôn Táo 3, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ khi thêm nhiều nóc nhà khang trang, to đẹp được xây cất, nhiều ô tô được sắm mới... Nếu không có sự mở rộng địa giới và Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015” của Thành ủy Hà Nội, cuộc sống của rất nhiều người như Lê Quang Dương chắc vẫn còn trong vòng lẩn quẩn. Những khu ruộng diện tích lớn, hạ tầng đường sá khang trang cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn, khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của thành phố và huyện Phúc Thọ suốt những năm qua là điểm tựa vững chãi để anh và bà con tự tin vươn lên thoát nghèo.

Tấm gương thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm, nhờ nông thôn mới để đổi đời như Lê Quang Dương là một ví dụ nhỏ trong hàng nghìn câu chuyện đáng kể về người dân nông thôn tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Ở chặng đường vừa qua dấu mốc 10 năm xây dựng nông thôn mới, ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, đồng thời là Tổ trưởng Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội chiêm nghiệm, xây dựng nông thôn mới là quá trình chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc. Người nông dân giờ đây đã là chủ nông thôn, đi lên vững vàng bằng chính đôi bàn tay, khối óc của mình. Và chính họ, đang thụ hưởng thành quả, bằng cả vật chất lẫn tinh thần.

Thêm mỗi người dân được hưởng cuộc sống ấm no, sung túc là “gánh nặng” trọng trách của tập thể Đảng bộ thành phố lại vơi đi một chút. Bởi điều chỉnh địa giới không chỉ là những thay đổi đơn thuần về kỹ thuật trên tấm bản đồ của thành phố, bớt đi hay thêm vào những địa danh mới, mà phải giúp ổn định, nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt, với một thành phố lớn, phát triển chưa đồng đều như Hà Nội, còn những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người, thì mối trăn trở lớn nhất vẫn là không để ai bị tụt lại phía sau.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

Nhìn rộng hơn, những thành tựu của Hà Nội sau mỗi lần điều chỉnh địa giới hành chính mang đến nhiều ý nghĩa, là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Sức bật về kinh tế cộng với sự ổn định về chính trị, sự mở rộng về đối ngoại và tầm ảnh hưởng quốc tế đã thực sự thổi vào Hà Nội luồng gió mới.

Lịch sử vẫn luôn có những cơ duyên. Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt còn nhớ, sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XI vào cuối năm 1991, thành phố bắt đầu chia tách. Khi bàn giao huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc và thị xã Sơn Tây cùng 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất về tỉnh Hà Tây, thành phố đã trao cho mỗi địa phương một bức trướng, trên đó thêu những dòng chữ khẳng định tình hữu nghị, gắn bó của Hà Nội với các tỉnh, huyện chia tách đời đời bền vững. 17 năm sau, những bức trướng này vẫn còn nguyên giá trị, khi tất cả lại về chung một “nhà”.

Và có một điều ý nghĩa hơn, khi quyết định thu hẹp địa giới hành chính để ngoại thành được phát triển đến nơi đến chốn, thì hôm nay, quyết định mở rộng địa giới lại minh chứng tiếp cho mục đích cuối cùng, cao nhất vẫn không hề thay đổi. 17 huyện ngoại thành Hà Nội được chăm lo phát triển, sau chặng đường hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã mang dáng dấp, hình hài của những đô thị trong tương lai. Các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức và Đan Phượng đều đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí cuối cùng để được nâng cấp thành quận.

Hình hài của Thủ đô tiếp tục biến chuyển không ngừng, hướng đến đích đưa nội thành và ngoại thành sớm không còn khoảng cách.

Sau 90 năm, Hà Nội giờ không còn là thành phố “phía trong sông”. Bằng những điều chỉnh trong chính sách linh hoạt, thiết thực quan tâm cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, Hà Nội đã tạo được dấu ấn về sự lan tỏa trong phát triển. Nhưng Hà Nội cũng luôn là khát vọng và những điều trăn trở: Phải làm gì để khơi dậy nguồn nội lực và khả năng hội tụ, tiếp tục khẳng định tầm vóc và vị thế mới Thủ đô?

Còn nhớ, trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10-10-1954, với bút danh “C.B”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Sáng 1-8-2008, phát biểu tại kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) đã khẳng định: "Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một quyết định mang tầm vóc lịch sử, chẳng những vẫn giữ được thế "Rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông tựa núi" mà còn nâng lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh".

Những phần thưởng cao quý mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đạt được trong 90 năm

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất chi viện tiền tuyến miền Nam, Đảng bộ, quân và dân Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và 4 lần gửi thư khen.

Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Trường Chinh) tặng Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao vàng (lần thứ nhất).

Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu Thành phố Vì hòa bình (thành phố duy nhất của châu Á nhận danh hiệu đến nay).

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký bằng khen Tặng thưởng thành phố Hà Nội danh hiệu Thủ đô Anh hùng vì đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng nhân dân và cán bộ Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao vàng (lần thứ hai).

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng nhân dân và cán bộ Thủ đô Hà Nội Huân chương Sao vàng (lần thứ ba).

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Thủ đô Hà Nội là Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế.

Từ lời di huấn của Bác được đăng vào những ngày Hà Nội giải phóng, đến cuộc mở rộng lịch sử năm 2008, đưa Hà Nội thành thủ đô có diện tích đứng hàng thứ 17 trên thế giới, Hà Nội đã có sự trưởng thành vượt bậc; bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" với cả nước.

Mạch nguồn của hiện tại - mạch nguồn của quá khứ Thăng Long - Đông Đô ngàn năm đã và đang được Đảng bộ và quân, dân Hà Nội tiếp nối hài hoà để Thủ đô luôn là niềm tự hào, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý nhất của dân tộc.

Vững niềm tin sắt son với Đảng; luôn nuôi dưỡng sự gắn bó máu thịt giữa Đảng bộ với các tầng lớp nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường mối đại đoàn kết; phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn, truyền thống cách mạng bất khuất của nhân dân Thủ đô kết hợp với truyền thống văn hoá, văn hiến của người Thăng Long - Hà Nội; bình tĩnh, kiên định vượt qua mọi hoàn cảnh, dù là gian khó nhất - Đó là 5 bài học lớn, cũng là điểm tựa, kim chỉ nam để Đảng bộ thành phố mãi giữ trọn được niềm tin yêu son sắt của nhân dân Thủ đô, là lực lượng tiên phong, lãnh đạo nhân dân đưa Hà Nội phát triển xứng tầm dân tộc.

Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, là hình ảnh tiêu biểu cho sự yên bình, thịnh vượng của Việt Nam. Ảnh: Vũ Long

“Đảng bộ ta”, “Thủ đô ta” - những tiếng ấy chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi mà mỗi đảng viên Hà Nội, mỗi người dân Hà Nội vẫn đang tự hào cất lên mỗi ngày. 90 năm Hà Nội có tổ chức cơ sở Đảng của riêng mình cũng là 90 mùa xuân tiếp thêm cho thành phố những năng lượng sống mới.

Từ "Thành phố vì hòa bình", sau 20 năm, Hà Nội tiếp tục mở một cánh cửa lớn ra thế giới, khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) vào năm 2019.

Hà Nội vốn có cơ sở hạ tầng văn hóa tốt, có bề dày văn hóa nghìn năm, đồng thời cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Thành phố cần được tiếp thêm nguồn sinh khí mới, tìm kiếm động lực mới để tạo nên những thay đổi chiến lược cho tương lai nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân, tăng sức hấp dẫn về thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để thực sự là một thành phố năng động, bền vững, an toàn.

Trên thực tế, Hà Nội đã và đang tận dụng hiệu quả những giá trị văn hóa giàu có để phát triển du lịch, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng mới, gắn với văn hóa. Nhưng vẫn còn nhiều trở ngại do các sinh hoạt văn hóa còn nặng về hình thức, quá trình đô thị hoá tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao..., đòi hỏi cần được kích hoạt bằng những phương pháp tiếp cận mới mẻ, hiện đại và hướng tới lớp trẻ nhiều hơn để khuyến khích sự cống hiến cho sáng tạo và đổi mới trong cộng đồng thanh niên - chủ nhân tương lai của Thủ đô.

Một số kết quả nổi bật của Hà Nội sau 30 năm đổi mới (1986-2016).

Trong chương trình hành động, thành phố đã vạch ra nhiều hoạt động để đạt mục tiêu này như: Xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, tổ chức các quỹ văn hóa, các hoạt động quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa, các chương trình nghệ thuật… nhằm tiếp tục sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục…

Vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, vẫn còn nhiều cột mốc mới cần chinh phục. Cả nước luôn quan tâm theo dõi, ngưỡng mộ từng bước đi lên của Thủ đô.

Và chúng ta, những công dân Thủ đô, tiếp tục vững tin vào những mùa xuân mới - những mùa xuân đã luôn nở hoa, kết trái ngọt lành trên mảnh đất “hồn thiêng sông núi” này kể từ khi Đảng bộ thành phố ra đời!

Bài viết: Triệu Hoa - Hồng Vân - Thu Hằng
Trình bày: Giang Thành Phong

Back To Top