Căn nhà 42 phố Hàng Thiếc, vào một ngày trung tuần tháng 3 năm 1930, ở thời khắc đó, chắc không thể hình dung hết về vai trò vô cùng đặc biệt của mình trong lịch sử của Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong sự phát triển của Thủ đô. Ngày 17-3 năm đó, một nhóm những người cộng sản đã bí mật họp bàn để cho ra quyết định quan trọng: Thành lập Ban chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội.
Buổi sinh hoạt thường kỳ đầu tháng 3-2020 của Đảng bộ xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bắt đầu vô cùng đặc biệt với lễ dâng hương trang trọng, thành kính trước phần mộ của đồng chí Đỗ Ngọc Du tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Nữ Bí thư Đảng ủy xã Lê Thùy Linh tự hào và xúc động điểm lại dấu mốc 90 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2020) gắn với tên tuổi của người con ưu tú Tó Tả, vùng đất khoa bảng nằm bên bờ tả sông Nhuệ hiền hòa...
Trong tấm bia khắc danh sách 228 liệt sĩ quê hương Tả Thanh Oai đã anh dũng hy sinh qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, tên người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội đứng trang trọng ở vị trí số một.
Lịch sử Đảng bộ xã Tả Thanh Oai có ghi chép đầy đủ, đồng chí Đỗ Ngọc Du sinh ngày 20-12-1907 tại Hải Dương; nguyên quán xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Khi hoạt động, đồng chí lấy bí danh là Phiếm Chu. Vốn thông minh, hiếu học, năm 1922, sau khi học hết tiểu học, đồng chí Đỗ Ngọc Du thi đậu vào Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi). Tại đây, đồng chí đã cùng các bạn là Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu bí mật tìm hiểu sách báo tiến bộ, đồng thời tham gia phong trào đòi ân xá chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và kế đó là bãi khóa để tang chí sĩ Phan Chu Trinh.
Tháng 10-1926, Đỗ Ngọc Du được đưa sang Quảng Châu học lớp huấn luyện chính trị (khóa II) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức giảng dạy. Đầu năm 1927, đồng chí về nước, hoạt động tại Hải Phòng. Để che mắt địch, đồng chí vào vai chủ hiệu giày Nam Thịnh ở phố Cát Dài.
Từ cuối năm 1928, đầu năm 1929, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lớn mạnh. Nhận thức được những đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng nước ta, tháng 3-1929, những thanh niên tiên tiến trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập tổ chức cộng sản - chi bộ 5D Hàm Long, trong đó có đồng chí Đỗ Ngọc Du. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới thành lập đảng cộng sản.
Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 3-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã họp, đánh dấu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam..
Hơn 1 tháng sau sự kiện vĩ đại đó, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban chấp hành lâm thời của Thành Đảng bộ Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy lâm thời. Nhiệm vụ của Thành ủy Hà Nội khi đó là củng cố tổ chức, ra sức đẩy mạnh đấu tranh, tuyên truyền, hưởng ứng phong trào đấu tranh các nơi, góp phần làm cho Quốc tế cộng sản sớm công nhận Đảng ta.
Không một phút giây ngơi nghỉ nhiệt huyết cách mạng, cả 3 đồng chí đứng đầu Ban chấp hành đã lăn lộn cùng phong trào, tích cực tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng của Đảng trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp quần chúng vào các đoàn thể, ủng hộ phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng ở địa bàn Hà Nội và cả một số vùng của Hà Đông, Sơn Tây…
Tháng 4-1930, Trung ương điều đồng chí Đỗ Ngọc Du đi công tác ở Thượng Hải (Trung Quốc). Tháng 6-1930, tại nhà số 177 Hàng Bông, Thành uỷ Hà Nội chính thức được thành lập, do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư.
Bị thực dân Pháp khủng bố, truy lùng ráo riết, cả 3 đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam lần lượt bị bắt và kết án tù. Đồng chí Đỗ Ngọc Du và đồng chí Lều Thọ Nam bị đày ra Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ bị giam tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội.
Với chế độ nhà tù khắc nghiệt và bị tra tấn hết sức dã man, đầu năm 1932, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ đã hy sinh trong tù khi vừa tròn 24 tuổi. Còn đồng chí Lều Thọ Nam hy sinh năm 1933 khi cùng một số chiến sĩ khác kết bè vượt ngục Côn Đảo để tìm đường trở về đất liền hoạt động cách mạng.
Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí Đỗ Ngọc Du về Hà Nội, tiếp tục liên hệ với tổ chức Đảng để hoạt động, vận động và viết báo giác ngộ quần chúng. Nhưng do những năm tù đày, bị tra tấn, lại thêm bệnh lao trầm trọng, đồng chí đã qua đời ngày 12-1-1938, khi mới 31 tuổi. Ngôi mộ của đồng chí giờ nằm khiêm nhường dưới hai gốc cây cổ thụ trong nghĩa trang liệt sĩ của quê hương và đang hằng ngày được nhân dân Tó Tả gìn giữ, hương khói trong niềm trân trọng, tự hào…
Phố Hàng Thiếc hôm nay luôn tấp nập với nhịp sống thường nhật khu phố cổ. Ngôi nhà nhỏ số 42 trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, trở thành nơi kinh doanh các sản phẩm gò hàn đặc trưng của phố nghề. Dấu ấn về nơi ra đời của Ban chấp hành lâm thời Thành Đảng bộ Hà Nội cũng như nơi ở, nơi làm việc của người Bí thư Thành ủy lâm thời đầu tiên chỉ còn được lưu trên tấm bia màu son trước cửa nhà… Và tên của người Bí thư Thành ủy lâm thời Đỗ Ngọc Du cùng Bí thư Thành uỷ chính thức đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô Nguyễn Ngọc Vũ nay được đặt cho hai tuyến đường đẹp đẽ, rợp bóng cây xanh ở các quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy. Trên những tuyến phố ấy, mỗi độ đất trời chuyển mùa lại rung lên những thanh âm giao hòa, xào xạc lá vàng đắm say lòng người, như kể mãi câu chuyện của lịch sử và sự tươi mới của phố hôm nay…
Một ngày tháng 3 năm 1930 đã đi vào lịch sử với những con người, địa danh mãi mãi không thể nào quên. Chỉ tiếc, tư liệu ghi dấu về quãng thời gian này quá ít ỏi, do tính chất hoạt động bí mật của cách mạng thời đó. Nhưng những gì mà sợi dây quá khứ đang kết nối với hiện tại, những gì mà các vị tiền bối cách mạng, những đảng viên cộng sản kiên trung đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Hà Nội mãi luôn là một tài sản vĩ đại, mở đầu cho một mùa xuân mới trên mảnh đất này.
3 tháng sau ngày 17-3-1930, tại nhà số 177 phố Hàng Bông, sức mạnh của Đảng bộ Hà Nội đã được củng cố thêm một bước với việc chính thức thành lập Thành ủy Hà Nội. Kể từ đó, với tổ chức chặt chẽ, vững mạnh, Đảng bộ Thủ đô luôn nêu cao bản lĩnh cách mạng, giữ vị trí “đầu tàu” trong suốt quá trình bảo vệ và phát triển đất nước.
Những trang sử đầu tiên của Đảng bộ Thủ đô đã gắn với những thanh niên nồng nàn yêu nước, lăn lộn và trưởng thành trong từng bước đi lên của cách mạng, trong đó có các đồng chí Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam...
Đảng Cộng sản Đông Dương thành phố Hà Nội ngay từ những ngày đầu tiên đã là tổ chức có nguyên tắc chặt chẽ và chỉ những hội viên thanh niên hoạt động tích cực nhất, hăng hái nhất mới được chọn lọc vào đảng. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lao động chính là nơi rèn luyện, đào tạo họ trở thành những chiến sỹ cách mạng tiêu biểu, những đảng viên cộng sản vừa trung kiên, anh dũng chiến đấu cho lý tưởng cao cả là độc lập tự do của dân tộc, vừa gắn bó máu thịt với nhân dân.
Sự kiện Đông Dương Cộng sản Đảng và Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội thành lập có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng cả nước cũng như có ý nghĩa đối với phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô. Trong những năm sôi sục của cuộc vận động thành lập Đảng, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội đã gắn bó chặt chẽ và là kết quả trực tiếp của phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở Hà Nội, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh mới của Thủ đô - thời kỳ có sự lãnh đạo của đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khái quát, trong tiến trình phát triển của cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo suốt 90 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã có những công hiến xứng đáng. Một trong những bài học thành công là Đảng bộ và nhân dân Hà Nội ở mọi thời kỳ cách mạng đều nêu cao trách nhiệm của địa bàn trọng yếu, trung tâm chính trị của đất nước, chủ động đi đầu và sáng tạo trong thực hiện đường lối, Cương lĩnh của Đảng. Thắng lợi và thành công, sự phát triển của Thủ đô có ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng và sự phát triển của cả nước.
Trong thời kỳ đầu non trẻ của cách mạng, bất chấp thực dân Pháp tiến hành khủng bố ác liệt, bất chấp biết bao tổn thất, hy sinh, những người đảng viên cộng sản Thủ đô vẫn vững tin cùng nhân dân một lòng đi theo cách mạng, với chiến thắng oanh liệt đầu tiên là cùng đồng bào cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời, lở đất”, đập tan xiềng xích nô lệ, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, để rồi khép lại 30 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc bằng một “bản anh hùng ca vĩ đại” với trận Điện Biên Phủ trên không, làm nên một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Bước vào giai đoạn hòa bình, thống nhất đất nước, Đảng bộ Thủ đô lại tỏ rõ sức mạnh, bản lĩnh, năng lực tổ chức khi đưa Hà Nội tiếp tục là trung tâm có tính lan toả ra cả nước. Đặc biệt, suốt hơn 30 năm đổi mới, trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, vẫn luôn là hình dáng của những người đảng viên ở tuyến đầu, sát cánh vì nhân dân, cùng nhân dân đưa Thủ đô phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu lớn, toàn diện.
“Khách quan mà nói, trong bất cứ giai đoạn nào, Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cũng luôn hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ của mình trước toàn Đảng và nhân dân cả nước”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét.
Với GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Chính trị học Quốc tế, Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), sự ra đời của Đảng bộ Hà Nội vào năm 1930 như là “thiên mệnh”. Thiên mệnh này đưa Hà Nội tiên phong trong phong trào cộng sản, thu hút nhiều người có tư tưởng tiến bộ quyết tâm tìm hiểu cách mạng, đi theo cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, cho Tổ quốc.
Còn trong cảm nhận của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, tuổi của Đảng bộ thành phố cũng gần như tuổi của Đảng, nên chặng đường mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đã đi 90 mùa xuân qua như bức tranh cô đọng, phản ảnh những nét chính yếu, cơ bản nhất, những bước đi của cách mạng, của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
“Tính chính trị, tính tiêu biểu của Hà Nội rất lớn, nên vị thế và trọng trách của Đảng bộ Thủ đô khi mới ra đời cũng như trong suốt 9 thập kỷ luôn có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Sự đặc biệt này không phải do tự chúng ta khẳng định nó, mà do tính khách quan và vị thế của Thủ đô đối với đất nước mang lại”, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định.