“Sức mạnh của Thăng Long - Hà Nội hôm nay bắt nguồn từ lòng tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước, từ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, từ ý thức vươn lên bắt kịp dòng chảy tiên tiến của thời đại. Sức mạnh đó lại được nhân lên từ sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa, từ khát vọng và ý chí vượt qua thử thách, quyết thắng đói nghèo và lạc hậu, đưa công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước lên tầm cao mới”.
(Hồ Quang Lợi - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội)
Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất có vị thế đặc biệt, có bề dày nghìn năm văn hiến trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lớp lớp anh hùng, hào kiệt, văn sĩ - những người con ưu tú nhất của giang sơn thuộc các thời đại khác nhau đều tụ về lập nghiệp và gắn bó máu thịt với mảnh đất này, khiến nơi đây trở thành một môi trường tiêu biểu của trí tuệ, văn hóa...
Không chỉ những người sinh ra và lớn lên ở Thăng Long - Hà Nội được hấp thụ tinh hoa của văn hóa nơi đây, mà nhiều người nhập cư đến mảnh đất này, như được tạo đà từ sự tiếp xúc, gắn bó với những tinh hoa chắt lọc từ vùng đất đế đô, khiến họ đủ sức mạnh tinh thần để bật dậy mọi tiềm năng, phát lộ hết năng lực và tài trí, mà nếu ở nơi khác thì chưa chắc đã được tỏa sáng đến thế.
Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Chính trị học Quốc tế, Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho đến đầu thế kỷ XX, đứng về mặt chính trị, Hà Nội không chỉ là “thủ đô” của Liên bang Đông Dương, ít chịu áp lực của nhà Nguyễn, mà còn là trung tâm văn hóa, là đầu mối giao thông quan trọng, có điều kiện kết nối với quốc tế nên luôn nhạy cảm trước sự thay đổi của tình hình. Tầng lớp trí thức, tinh hoa yêu nước ở Hà Nội như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Ngọc Vũ, Lều Thọ Nam, Trần Tích Chu, Nguyễn Văn Cừ … đã sớm tiếp thu nhiều luồng tư tưởng mới, đặc biệt là ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
Sự tỏa sáng của mỗi cá nhân kết hợp cùng sự bồi tụ của tinh hoa, khí phách dân tộc, hồn thiêng sông núi và những giá trị nhân văn của thời đại mới đã làm nên sức mạnh đặc biệt, đưa Hà Nội trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam và để trong quá trình phát triển, trưởng thành suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Hà Nội luôn có được đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, tạo nên nhiều kỳ tích trong thời đại Hồ Chí Minh.
GS.TS Đỗ Quang Hưng nhận xét: “Ở thời điểm 1930-1945, trong khi tại nhiều đảng bộ địa phương khác, mối quan hệ giữa Đảng với dân rơi vào hai trạng thái: Một là Đảng dựa vào phong trào công nhân trực tiếp làm trọng tâm, như ở Quảng Ninh, hai là Đảng dựa vào nông dân, như ở Thái Bình, Nam Định…, thì ở Hà Nội, Đảng bộ phải “đại đoàn kết” nhiều thành phần, ngoài công – nông liên minh, còn phải lôi cuốn các thành phần tư sản, tiểu tư sản, thậm chí còn phải vận động cả những người yêu nước trong hàng ngũ quan lại, người nước ngoài sống ở Hà Nội, các nhà chính trị nước ngoài… tham gia cách mạng. Chính vì thế, quan hệ Đảng - dân phong phú, phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng Đảng bộ Hà Nội đã làm rất xuất sắc”.
Chìa khoá của sự xuất sắc ấy chính là sự kết nối hài hoà giữa ý Đảng, lòng dân, “lấy dân là gốc”, để càng trong gian nan, khốn khó, tiềm năng sáng tạo và tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Hà Nội càng được khơi dậy, giúp Đảng bộ thành phố liên tục thành công, phát huy được sức mạnh tổng lực trong nhân dân, đặc biệt qua các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960).
(Ảnh tư liệu)Suốt hơn 70 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, cán bộ và nhân dân Hà Nội đã không ngừng phát huy sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến, nhân dân Hà Nội luôn đi đầu trong các phong trào thi đua: “Tuần lễ vàng”, “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Bình dân học vụ”… Tự hào hơn, Hà Nội chính là quê hương của các phong trào: Thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, đều trở thành cao trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nền tảng để phát triển các phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ sau này.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội tiếp tục là cái nôi của các phong trào hành động cách mạng. Hà Nội sáng tạo, toả sáng với phong trào “Người tốt, việc tốt”, được cụ thể hoá thành những phong trào nhỏ hơn gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị, như: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững”, “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu tình nguyện”, “Vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp, vì cuộc sống bình yên”…
Sức mạnh đặc biệt trong các phong trào của Hà Nội chính là luôn được gắn với giải quyết các khâu yếu, việc khó, các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong quá trình phát triển Thủ đô như: Quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tội phạm và tệ nạn xã hội... Từ đó, thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, giúp Hà Nội giữ vững sự ổn định chính trị, bứt phá mạnh mẽ và làm nên những điều kỳ diệu.
Lần tay theo chiếc gậy gỗ nhỏ đã chuyển màu nâu bóng, chạm vào dòng chữ “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khắc dọc trên thân, ông Phùng Văn Quán lặng người, nghe ký ức ùa về... Khí thế những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn luôn in sâu trong tâm khảm người cựu chiến binh trên quê hương cách mạng Hòa Xá.
Đường vào nhà cựu chiến binh Phùng Văn Quán (xóm Thượng Đoạn, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bê tông trơn láng, lại có nhiều biệt thự đẹp khiến khách phương xa ngỡ đi lạc vào khu đô thị mới chốn thị thành. Ở tuổi gần 80, chủ nhân duy nhất còn lại của một trong ba chiếc gậy Trường Sơn vẫn khỏe mạnh, minh mẫn chứng kiến quê hương đổi thay. Tuổi cao, ông sống mẫu mực, giúp đỡ và động viên con cháu làm ăn vươn lên. Chiếc gậy năm xưa được ông bọc vải cẩn thận, có khách quý đến mới đem ra, ôn lại khí thế sục sôi của Hòa Xá những năm 1965-1966 kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đông đảo trai tráng Hòa Xá dưới 17 tuổi đều tham gia “Phân đội dự bị” và hưởng ứng phong trào “Hành quân mang nặng đường dài”. Đi bộ hàng chục cây số với balo nặng trên vai, thanh niên Hòa Xá lòng vui như mở hội, đêm ngày rèn đôi chân dẻo dai, chờ ngày ra trận.
Năm 1967, từ 3 chiếc gậy của những người con Hòa Xá trên đường hành quân dọc dãy Trường Sơn gửi về làm vật chứng để hậu phương an lòng, trong đó có chiếc gậy của ông Quán, các vị bô lão đã cất công tìm những thân tre ngà thật đẹp, tỉ mỉ đẽo gọt làm gậy hành quân tặng con cháu trong ngày lên đường. Trên mỗi chiếc gậy đều khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân”... Và chiếc gậy cũng trở thành cảm hứng để cùng năm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên trong lần về thăm Hòa Xá đã cho ra đời ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn”, góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của lớp lớp thanh niên cả nước.
Cùng trong quãng thời gian hừng hực khí thế thi đua yêu nước ấy, tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, một phong trào khác đã phát huy sức mạnh “truyền lửa” cho tiền tuyến không kém là “Ba đảm đang”. Phong trào này còn đặc biệt hơn khi được khởi xướng từ những người phụ nữ thôn quê sức vóc bé nhỏ, tưởng như yếu đuối.
Đó là vào những ngày đầu năm 1965, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”. Tên gọi sau đó được Bác Hồ đổi thành “Ba đảm đang” và trở thành phong trào thi đua có quy mô nhất, huy động được sự tham gia đông đảo, có nhiều sáng kiến và đạt năng suất, hiệu quả cao nhất của phụ nữ miền Bắc trong cuộc chiến chống Mỹ.
Nhớ lại chuyện xưa, niềm tự hào, sự hào hứng của bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Trung Châu bừng lên khắp khuôn mặt đã đầy những nếp nhăn. Bà vẫn giữ thói quen giơ cao cánh tay thể hiện quyết tâm giữ vững hậu phương như ngày nào.
“Đất nước có chiến tranh, chị em tự cảm thấy phải gánh vác thêm mọi việc, vui vẻ động viên chồng, con, anh em lên đường chiến đấu. Ở nhà, để “thóc không thiếu một cân”, chúng tôi thay chồng cày bừa thẳng tắp trên đồng, tăng gia sản xuất và hoạt động du kích, đào hầm nuôi giấu cán bộ. Đêm đến, chúng tôi lại chong đèn ngồi viết thư gửi ra tiền tuyến. Dù cuộc sống cực khổ, vất vả thế nào đi chăng nữa, trong thư bao giờ cũng biên: “mẹ vẫn khỏe, con ngoan, có em đảm đang, anh yên tâm chiến đấu...””, bà Quýnh xúc động kể.
Với “Ba đảm đang”, những phụ nữ như bà Quýnh có quyền tự hào, bởi chỉ trong tháng 5-1965, toàn miền Bắc đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của phong trào. Hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn của kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Song song “Ba đảm đang”, lớp thanh niên Thủ đô “khai pháo” với phong trào “Ba sẵn sàng”. Ông Hàn Tiến Nhâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội, Trưởng ban Liên lạc Thanh niên xung phong 13C Hà Nội nhớ lại mùa thu năm 1964, vừa học xong lớp 10, hệ 10 năm, ông quyết định không thi đại học, mà hăng hái tham gia thanh niên xung phong. Hàng nghìn chàng trai, cô gái hào hoa, duyên dáng giữa phơi phới tuổi xuân đã lên đường xuất quân tại Quảng trường Ngân hàng Trung ương, Quảng trường Nhà hát Lớn rực ánh lửa, âm vang tiếng cồng chiêng. Lời thề “Ba sẵn sàng” vang dậy trong những buổi tiễn họ vào Nam chiến đấu, “chia lửa với miền Nam ruột thịt”.
Từ đất thiêng Hà Nội, “Ba sẵn sàng” nhanh chóng lan rộng cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ. Vượt qua biên giới, phong trào còn thôi thúc nhiều thanh niên Việt Nam du học ở nước ngoài viết đơn xin về nước chiến đấu khi Tổ quốc cần. Hàng trăm người tự nguyện tạm dừng việc học, kể cả ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, để chờ được ra trận cầm súng chiến đấu.
Khao khát, lý tưởng, lẽ sống và danh dự của lớp thanh niên Thủ đô một thời là thế, nên tuổi trẻ Hà Nội hôm nay càng thấm thía trọng trách nuôi dưỡng những giá trị cao đẹp ấy. Phong trào “Thanh niên tình nguyện” do Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội phát động đã “tiếp lửa” từ “Ba sẵn sàng” được hơn 20 năm.
Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Đức Tiến cho biết, 20 năm qua, đã có gần 70 triệu lượt thanh niên tình nguyện tham gia chiến dịch hè. Trên 670.000 công trình thanh niên các cấp được chiến dịch thực hiện với tổng trị giá hơn 3.900 tỷ đồng; 287.190 km đường giao thông nông thôn được sửa chữa, làm mới với tổng trị giá 1.457 tỷ đồng; gần 250.000 căn nhà được xây mới và sửa chữa với tổng trị giá hơn 955 tỷ đồng... là những đóng góp cụ thể của màu áo xanh tình nguyện luôn xung kích đi đầu hôm nay.
Ngọn lửa nhiệt huyết của các thế hệ cha anh năm xưa, mạch nguồn sục sôi của những “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Chiếc gậy Trường Sơn” một thời đã và đang nuôi dưỡng, soi đường cho các phong trào thi đua hôm nay, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của Thủ đô, tiếp tục tạo động lực để mỗi người dân Thủ đô làm giàu trên từng tấc đất yêu thương.