Huyện Mê Linh là vùng trồng rau xanh lớn của Hà Nội. Những ngày này, người trồng rau ở Mê Linh đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị thu hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, cộng với việc nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên rau phát triển ổn định, hứa hẹn sẽ được mùa, được giá.
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên cánh đồng rau thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), dù trời rét sâu nhưng nông dân đang tất bật chăm sóc những ruộng rau, củ, quả để kịp thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong cho biết: "Vụ này, gia đình tôi trồng 10 sào rau các loại, trong đó diện tích rau dự kiến cho thu hoạch dịp Tết khoảng 4 sào. Nếu giá bán ổn định, thì dịp Tết này gia đình tôi thu được khoảng 40 triệu đồng… Trong những ngày rét này, gia đình cũng đang thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ cây, qua đó thu hoạch đúng sản lượng dự kiến".
Liền kề vùng rau thôn Yên Nhân là “vựa” rau, củ, quả của thôn Đông Cao (xã Tráng Việt). Không khí sản xuất ở đây đang tất bật, ai nấy đều hối hả cho vụ rau quan trọng nhất trong năm.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua thông tin, để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn, từ tháng 10-2023, các thành viên hợp tác xã đã xuống giống gieo trồng nhiều loại rau, củ... Tổng diện tích gieo trồng rau, củ của hợp tác xã khoảng 200ha, trong đó 124ha sản xuất rau an toàn và 10ha theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng khoảng 35.000 tấn/năm, góp phần tạo ra nguồn thu nhập cao, ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã.
Tương tự, tại vùng trồng rau các xã: Văn Khê, Hoàng Kim, Tiến Thắng, người trồng rau đang tích cực chăm sóc, chuẩn bị cung ứng cho người tiêu dùng vào dịp Tết. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, tổng diện tích trồng rau của địa phương trong vụ đông này là 1.700ha, sản lượng đạt khoảng 4.500 tấn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp Tết. Trong đó, có 155ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (áp dụng mô hình kiểm tra cộng đồng PGS) và 34,8ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để nâng cao giá trị từ cây rau cũng như chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán 2024, từ giữa năm 2023, UBND huyện giao Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, hợp tác xã đẩy mạnh việc mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân... Huyện khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt một loại rau, củ, quả mà trồng rải vụ, sản xuất theo hợp đồng và nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nông sản.
Cùng với đó, UBND huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng nhãn hiệu tập thể rau Đông Cao (xã Tráng Việt), hỗ trợ mã vạch, truy xuất nguồn gốc và tem nhãn nhận diện cho các sản phẩm rau an toàn. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm rau, củ, quả tham gia các hội chợ, sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước để quảng bá thương hiệu, tìm thêm nguồn khách hàng. Cũng nhờ vậy, nhiều cơ sở, hộ sản xuất đã tìm được thêm khách hàng cho vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như thời gian sau Tết.
Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ các hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm rau, củ, quả an toàn. Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt) đã có 18 sản phẩm rau ăn lá, cà chua, củ cải trắng được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao; Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Nhân (xã Tiền Phong) có 12 sản phẩm rau an lá, su hào, mướp hương, dưa chuột được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao; Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) có 6 sản phẩm rau gia vị được công nhận OCOP 3 sao… Giải pháp này giúp giá trị thương hiệu sản phẩm được nâng cao, tạo tiền đề để rau, củ, quả của Mê Linh tiếp cận với hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước; đồng thời, hứa hẹn giúp người trồng rau ở huyện Mê Linh có thêm một cái Tết đủ đầy.
Hiện nay đang trong những ngày giá rét. Theo UBND huyện Mê Linh, huyện đã yêu cầu các phòng ban chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân thực hiện các biên pháp kỹ thuật để tăng sức chống chịu cho cây, bảo đảm sản lượng thu hoạch đúng như dự kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.