Theo dõi Báo Hànộimới trên

Máy bay siêu nhỏ thương hiệu sinh viên

Lam Phong| 10/06/2012 06:38

(HNM) - Với mong muốn đóng góp một thiết bị phục vụ cho lĩnh vực quân sự, 5 sinh viên Khoa Kỹ thuật hàng không K52, ĐH Bách khoa Hà Nội (Vũ Văn Thư, Lê Tuấn Long, Từ Đức Tuấn, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khang Ninh) đã nghiên cứu, chế tạo mô hình và bộ thí nghiệm máy bay cánh vẫy.

Cán bộ Học viện Kỹ thuật quân sự - Bộ Quốc phòng đã từng nhiều lần tới xem nhóm thực hiện, thử nghiệm mô hình này và mong muốn khi nhóm phát triển mô hình cao hơn nữa, họ sẽ tìm cách hỗ trợ để đưa vào ứng dụng thực tế.

Máy bay siêu nhỏ MAV là hướng mới trong phát triển hàng không vì nó có rất nhiều ứng dụng về quân sự (trinh sát), dân sự (thăm dò các khu vực hỏa hoạn, tìm kiếm tài nguyên…). Là một nhánh nhỏ của dòng máy bay MAV, máy bay cánh vẫy mô phỏng giống chim, có thể ngụy trang để trinh sát máy bay địch đã thực sự hấp dẫn các thành viên trong nhóm. Với sự đồng thuận cao, các thành viên đều quyết định lựa chọn máy bay cánh vẫy làm đề tài nghiên cứu khoa học. Mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu về một mảng riêng: hai người phát triển về cơ cấu chuyển động và cánh; hai người tìm hiểu về vấn đề điều khiển; một người làm về hệ thống thử nghiệm.

Trong năm đầu tiên nghiên cứu, nhóm xây dựng một bộ thực nghiệm hoàn chỉnh về máy bay cánh vẫy nhằm kiểm nghiệm các đặc tính động lực học của máy bay như tần số vẫy, lực nâng, lực đẩy... so với lý thuyết. Từ đó tạo cơ sở để thiết kế và tính toán ổn định động lực học cho máy bay: cơ cấu chuyển động từ động cơ để tạo ra độ vẫy cho cánh máy bay, các cơ cấu điều khiển ở đuôi… Năm thứ hai, nhóm nghiên cứu, tính toán tối ưu về cơ cấu chuyển động cho máy bay; tính toán các bộ bánh răng, thân máy bay; tìm hiểu và thiết kế cánh máy bay dựa trên mô phỏng sinh học về các loài chim...

Vũ Văn Thư - thành viên của nhóm cho biết, sau một năm rưỡi nghiên cứu, nhóm đã hoàn thiện gần như hoàn chỉnh mô hình máy bay cánh vẫy và bộ thí nghiệm đo lực nâng, lực đẩy, đã tiến hành bay cũng như đo thử nghiệm. Đề tài của nhóm đã đoạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm 2011.

Dự định sắp tới của nhóm là sẽ tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hóa trọng lượng máy bay, giúp bay ổn định hơn, cánh có thể vừa xoay vừa vẫy. Việc gắn thêm các thiết bị trinh sát như camera, bộ cảm biến ổn định trên máy bay phục vụ cho mục đích quân sự cũng là hướng đi mà nhóm mong muốn và sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máy bay siêu nhỏ thương hiệu sinh viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.