(HNM) - Nói về bảo tồn di sản hay bảo vệ những giá trị xưa cũ, dễ thấy nỗi khổ của người trong cuộc. Như là cần giữ lại gì, những gì cần phải bỏ đi, hoặc thay đổi để không còn quá xa lạ với đời sống hiện đại. Có thể cảm nhận nỗi băn khoăn ấy ở mọi nơi, không chỉ với nhà quản lý hay giới nghiên cứu.
Như một lần lên vùng cao cùng Z. - nhà nhiếp ảnh "lắm danh hiệu, nhiều giải thưởng". Chuyến xe qua bao khung cảnh thú vị. Những nhà sàn, nhà trình tường, đàn ông dao quắm, đàn bà địu con lên nương… Z. tỏ ra rành rẽ phong tục vùng cao, giới thiệu tài rèn sắt của người Mông, tục chọc sàn, ở rể của người Thái. Tới lúc anh chỉ mấy bông hoa vàng tuyệt đẹp trên bờ vực, bảo đấy là cây lá ngón, trai gái không lấy được nhau thường ăn tìm cái chết, phía sau thốt lên: “Anh Z. giỏi thật. Thảo nào ẵm bao nhiêu giải thưởng nhiếp ảnh, được cả tiền lẫn danh hiệu”.
“Không yêu thương con người nơi đây thì không có ảnh đẹp được đâu. Họ khổ cực đâm mình trắc ẩn, nhưng cũng phải trách họ không biết làm thương nghiệp, chỉ sống nhờ đất cát, rừng rú thì phát triển thế nào…”. Câu nói của Z. khiến cảm tình của người trong xe với anh càng sâu đậm.
Bên đường có đám cưới Mông, trang phục truyền thống trưng ra nhộn nhịp, váy áo ríu rít, khăn trùm đầu sặc sỡ bên chảo thắng cố sôi sùng sục. Thật là bữa tiệc mắt, máy ảnh của Z. “bắn” như vãi đạn. Mươi phút thì lui, một người gửi chút tiền mừng đôi bạn trẻ.
- Đây là một dịp may, có thu hoạch đấy. Nhưng tôi rất buồn vì bên tiếp khách đòi tiền. Người dân tộc bắt đầu tha hóa, không còn chất phác nữa rồi.
Bạn đồng hành sững sờ vì lời than của Z. Ơ hay, vừa chê người ta không biết làm thương nghiệp, bắt cô dâu giương ô điệu bộ bên chú rể đắm say kia mà, sao không chịu bỏ ít tiền ra. Đến là mâu thuẫn, cái nhà anh nhiếp ảnh lắm danh hiệu với cả giải thưởng!...
Chuyện chỉ có thế mà ngẫm ngợi, về đời thực và ước mơ giữ lại cái riêng có. Cuối cùng thì bên nào sẽ thắng bên nào?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.