(HNM) - 40 năm trước, cán bộ và nhân dân phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ bảo vệ vùng trời Thủ đô, bảo vệ Ga Hà Nội.
Qua lời kể của các cụ cao niên, những người dân trực tiếp tham gia bảo vệ Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" ấy, chúng ta thấy mình sống lại không khí của 12 ngày đêm máu lửa trên mảnh đất Cửa Nam.
Trung đội tự vệ của Xí nghiệp Sửa chữa xe đạp (số 2 Điện Biên Phủ) trên nóc nhà 220 Hàng Bông. Ảnh Tư Liệu |
Các khối phố trên địa bàn phường Cửa Nam lúc đó có mật độ dân cư đông, có nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện lớn của trung ương, thành phố, đặc biệt lại có Ga Hà Nội, đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc và là một mục tiêu trọng điểm bắn phá của địch. Để bảo toàn lực lượng ở lại nội thành chiến đấu và phục vụ chiến đấu, các hầm trú ẩn được nạo vét và củng cố lại. Trước hè phố mỗi nhà có ít nhất một hố cá nhân. Các cơ quan, xí nghiệp như Bệnh viện Việt Nam - Cuba (phố Trần Hưng Đạo), các khu nhà tập thể Bộ Nội thương (92 Hai Bà Trưng), tập thể Bộ Ngoại giao (151 Lê Duẩn), tập thể Đường sắt (107 Trần Hưng Đạo), các ngõ Tức Mặc, Vạn Kiếp, Hàng Cỏ, ngã bảy Cửa Nam, phố Đình Ngang… đều có hầm công cộng. Các đội cứu thương, cứu sập bảo đảm giao thông được chấn chỉnh. Trạm Y tế số 4 đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện về nghiệp vụ cấp cứu phòng không, băng bó cứu thương. Đội cứu thương khối 89 được thành lập do ông Đỗ Ngọc Dư phụ trách, sử dụng nhà bà Lương Minh Châu (31 Cửa Nam) làm địa điểm cứu thương người bị nạn.
Ngay từ những ngày đầu năm 1972, lực lượng tự vệ trên địa bàn Cửa Nam được tăng cường trang bị và huấn luyện, kết hợp cùng cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn tạo thành lưới lửa tầm thấp, góp phần bảo vệ Thủ đô. Ông Triệu Tài (107 Trần Hưng Đạo), nguyên chính trị viên Đại đội tự vệ 127, ông Nguyễn Tài Tiến (25 Cửa Nam), nguyên trung đội trưởng Trung đội tự vệ Xí nghiệp Sửa chữa xe đạp (số 2 Điện Biên Phủ) đều có chung những kỷ niệm đáng nhớ về những ngày bám trụ nóc nhà với trận địa pháo 12,7 ly.
Ông Triệu Tài nhớ lại: Các đơn vị súng 12,7 ly đặt trên các nóc nhà 112-118 Ga Hàng Cỏ do ông Nguyễn Văn Viết (ngõ Tức Mặc) làm đại đội trưởng, ông Phạm Tấn Thanh (45 Thợ Nhuộm) làm trung đội phó chỉ huy chiến đấu. Đêm 18-12-1972, nhiều tốp máy bay B-52 và hàng trăm máy bay chiến thuật của Mỹ lao vào đánh phá Hà Nội. Cùng với Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, các khu phố Hoàn Kiếm, trong đó có các khối phố thuộc phường Cửa Nam còn ghi đậm tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ. Ga Hà Nội là trọng điểm được bom Mỹ "chăm sóc" nhất. Ngày 21-12-1972, một loạt bom B-52 đánh trúng ga. Cả Hà Nội rung chuyển, Ga Hà Nội chìm trong khói lửa. Cả đại đội tự vệ vẫn giữ vững niềm tin và khí thế, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô.
Lần giở từng tấm ảnh đã được gìn giữ suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Tài Tiến (25 Cửa Nam), nguyên trung đội trưởng Trung đội tự vệ Xí nghiệp Sửa chữa xe đạp (số 2 Điện Biên Phủ) như được trở về những ngày tháng ấy. Trung đội của ông Tiến tham gia trận địa pháo cao xạ tại nóc nhà 220 Hàng Bông. Với nhiệm vụ là xua máy bay địch từ tầm thấp lên tầm cao để các đơn vị phòng không tiêu diệt. Suốt từ ngày 18-12-1972, nhận được lệnh của Ban chỉ huy quân sự quận Hoàn Kiếm, các khẩu đội ngày đêm chia nhau trực chiến, mỗi ca trực có hai người. Riêng ông Tiến thì gần như có mặt 24/24h tại trận địa. Suốt nửa tháng trời, ông chỉ kịp chạy về nhà ngay bên đường ăn bát cơm rồi lại sang cùng anh em trực chiến. Mỗi khi có báo động máy bay địch vào vùng trời Hà Nội, ông cùng anh em chiến sĩ khẩn trương chia lực lượng, vừa tỏa ra kiểm tra an ninh trật tự, vừa bám trụ tại nóc nhà chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Trận địa pháo 12,7 ly trên các nóc nhà khu vực Ga Hàng Cỏ, khu vực Cửa Nam, trên nóc nhà khu vực phố Hai Bà Trưng đã cùng các trận địa của Bộ Tư lệnh Thủ đô tạo thành lưới lửa dày đặc của Hà Nội sẵn sàng đánh trả cuộc chiến tranh leo thang tàn bạo của giặc Mỹ.
Trong bom đạn ác liệt, nhân dân Cửa Nam không quản ngại nguy hiểm, tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Khi tiếng còi báo yên trên điểm cao nhất của tòa nhà chính Ga Hàng Cỏ vừa dứt, mọi sinh hoạt của các khối phố trở lại bình thường.
Đúng như câu nói của ông Nguyễn Tài Tiến: "Khi đó, B-52 rải thảm Hà Nội, máy bay Mỹ, bom sáng rợp trời, máu rơi, nhà đổ… nhưng lòng người vẫn đứng vững". Đó như một lời nhắn nhủ rằng cha ông ta đã sống chiến đấu và hy sinh như thế, để mỗi bạn trẻ hôm nay phải tự hào, biết ơn, trân trọng, sống sao cho xứng đáng với truyền thống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.