Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặt trái của đồ uống chứa caffeine

Theo NLĐ| 17/04/2012 10:48

Nếu bạn là dân “nghiền” trà, cà phê hay nước ngọt có ga… thì hãy nhanh chóng điều chỉnh lại “liều lượng” thu nạp của loại thức uống này nếu không muốn gặp phải những rắc rối không mong muốn sau đây.


Lưu ý khi dùng đồ uống chứa caffeine

Không dùng cho trẻ dưới 15 tuổi: Khi thu nạp đồ uống có chứa caffeine thì loại chất này sẽ được hấp thụ rất nhanh sau khi uống, phân bố toàn cơ thể. Ở người lớn, tác dụng của nó kéo dài 6-12 giờ, thời gian bán hủy là 6-8 giờ. Ở trẻ nhỏ, thời gian chuyển hóa chậm hơn tùy theo lứa tuổi, còn thời gian bán hủy kéo dài hơn 24 giờ.

Do đó, các chuyên gia khuyên phụ huynh không nên cho trẻ uống đồ uống có chứa caffeine đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, tốt nhất không nên dùng đồ uống có caffeine.

Không pha lẫn các loại đồ uống với đồ uống chứa caffeine: Nhiều người có thói quen thưởng thức một ly cà phê sau khi dùng bữa nhưng đây là thói quen không tốt nếu bạn đã uống một lượng rượu đáng kể trong bữa ăn. Bởi khi uống rượu não sẽ được hưng phấn nhưng đồ uống chứa caffeine lại khiến cho thần kinh bị ức chế, kích thích sự giãn nở của huyết quản, bất lợi cho tim.


Không dùng quá nhiều đồ uống chứa caffeine: Nếu uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường như: nôn nóng, sốt ruột, bất an, ù tai và chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt tim.

Không cho đường vào đồ uống chứa caffeine: Vì nó có thể kích thích các tế bào insulin trong tuỵ và tạng, đồng thời làm giảm lượng đường trong máu, từ đó khiến cho sự trao đổi đường trong cơ thể bị rối loạn.

Khuyến cáo: Theo tổ chức Y tế Thế giới thì mỗi ngày chỉ nên bổ sung 500 – 600 mg caffeine tương đương với khoảng tối đa 5 – 6 tách cà phê. Tuy nhiên tốt nhất nên khống chế lượng chất caffeine này xuống mức 200 – 300 mg sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn, giúp bạn hạn chế được những rắc rối do hệ lụy của caffeine gây nên.

Hệ lụy của đồ uống chứa caffein

Nhịp tim đập nhanh

Như một hệ lụy tất yếu và dễ gặp nhất, khi sử dụng đồ uống có hàm lượng lớn chất caffeine thì nó có thể khiến cho hệ thần kinh trở nên hưng phấn hơn, kích thích máu lưu thông mạnh mẽ trong cơ thể vì thế nó có thể tăng sức ép với tim mạch, dẫn đến hiện tượng tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.

Gây khó ngủ

Chất caffeine sẽ có tác dụng kích thích tinh thần minh mẫn hơn vì thế một lượng lớn chất này được thu nạp vào cơ thể tất yếu sẽ dẫn đến hệ lụy mất ngủ hoặc khó ngủ do bộ não không thể “nghỉ ngơi”, là điều kiện tiên quyết để bạn chìm vào giấc ngủ.

Đây cũng là rắc rối phổ biển thường gặp của những người có thói quen uống trà, cà phê đặc hoặc uống quá nhiều hay uống trước giờ đi ngủ.

Đi tiểu thường xuyên

Caffeine cũng là một chất lợi tiểu, nó kích thích thận bài tiết nhiều hơn và vì thế tần suất bạn “đi tiểu” cũng sẽ tăng lên. Đi tiểu thường xuyên sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái bị khử nước nếu không được bù nước kịp thời.

Nôn mửa hay buồn nôn

Thường gặp ở những người mới uống loại thức uống này, mọi người còn gọi nôm na đó là hiện tượng “say” cà phê hay say trà. Ngoài ra nếu để cho cơ thể rơi vào trạng thái bị khử nước thì cũng có thể có cảm giác buồn nôn khó chịu này.

Để phòng tránh nguy cơ này bạn không nên “tham lam” khi sử dụng thức uống có chứa caffeine mà chỉ nên sử dụng ở một chừng mực nhất định.

Đau đầu

Những người sử dụng nhiều loại đồ uống này cũng có thể bị đau đầu do những tác động của chất caffeine tiêu cực đến não. Cường độ đau đầu có thể nặng, nhẹ khác nhau tùy theo lượng đồ uống mà bạn thu nạp vào.

Có hại cho xương

Sở dĩ loại đồ uống có chứa nhiều caffeine được coi là “khắc tinh” của bộ xương vì nó gây cản trở trong quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể. Trong khi đó canxi đóng vai trò quan trọng trong quá trình cải thiện và củng cố mật độ xương.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, những người uống quá nhiều nước cola và các nước có ga khác có xu hướng đào thải một phần canxi cần thiết cho cơ thể qua nước tiểu. Điều này khiến cho xương yếu đi và dễ bị gãy. Thủ phạm gây nên hiện tượng này chính là chất caffeine có trong các loại nước nói trên.

Các bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh loãng xương ở Omaha, bang Nebraska (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu hiệu quả của các loại nước uống khác nhau lên một nhóm 30 phụ nữ. Kết quả cho thấy, lượng canxi bị thải ra ngoài theo nước tiểu ở những người uống các loại nước có chứa nhiều caffeine tăng nhẹ.

Theo thống kê thì tại Mỹ, nước có ga chứa nhiều caffeine là loại nước uống được phụ nữ lứa tuổi 20-40 ưa chuộng nhất. Còn tại Anh, cứ 8 trẻ vị thành niên thì có một trẻ uống hơn 22 lon cola mỗi tuần, nghĩa là hơn 3 lon mỗi ngày. Trong khi đó, theo các chuyên gia dinh dưỡng Anh, uống mỗi ngày 4 lon cola có thể gây hại cho xương.

Ngoài những loại đồ uống có ga thì các chuyên gia cũng cảnh báo bạn cẩn trọng với những đồ ăn thức uống khác cũng có chứa một lượng không nhỏ caffeine như cà phê, chocolate đen... cần cẩn thận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt trái của đồ uống chứa caffeine

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.