Chíp điện tử gắn trong căn cước công dân (CCCD) tích hợp nhiều thông tin cá nhân của người được cấp, đồng thời tích hợp nhiều thông tin về bảo hiểm, ngân hàng… Do đó, nhiều người bày tỏ lo ngại nếu không may làm mất loại thẻ căn cước này, hoặc bị đánh cắp thẻ, thì liệu thông tin cá nhân có dễ dàng bị lọt ra ngoài?
Về vấn đề này, Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể. Theo đó, chỉ những cơ quan chức năng mới được trang bị đầu đọc chíp chuyên dụng để trích xuất thông tin. Người dân có thể hoàn toàn yên tâm rằng, nếu như có bị mất CCCD gắn chíp, thì người nhặt được cũng khó có thể đọc được thông tin của người mất mà chíp trên thẻ đang lưu giữ.
Cũng theo Bộ Công an, khác với chíp, mã QR code lại dễ dàng có thể quét được, chỉ cần dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, trên mã QR không chứa đựng quá nhiều thông tin cần “bảo mật” như trên chíp.
Việc thẻ CCCD gắn chíp lưu giữ nhiều thông tin sẽ giúp người dân sau này khi đi làm các thủ tục hành chính, các giao dịch với ngân hàng, nhà đất, bảo hiểm, xin học cho con... không phải mang nhiều loại giấy tờ, chỉ cần dùng thẻ này.
Sự khác biệt lớn nhất của CCCD gắn chíp so với các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mã vạch chính là con chíp nằm ở mặt sau của thẻ. Con chíp điện tử này chứa các thông tin về nhân thân của mỗi công dân, như: Họ và tên; ngày tháng năm sinh; quê quán; vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng… Đồng thời, trong tương lai gần, chíp trên thẻ căn cước công dân còn chứa thông tin liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, giấy phép lái xe… của người sử dụng.
Ngoài chíp, trên thẻ CCCD mẫu mới còn có mã QR ở mặt trước của thẻ. Khi quét mã này sẽ hiển thị thông tin về họ và tên của người cấp, số chứng minh nhân dân cũ (trường hợp trước đó dùng chứng minh nhân dân 9 số), do đó, người được cấp sẽ không còn phải mang theo bên người giấy xác nhận số chứng minh nhân dân bằng tờ giấy A4 rất dễ nhàu nát như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.