(HNM) - Ngày áp Tết, chiếc tàu


"Vớt sóng" nối sợi dây tình cảm

Các phóng viên vào đảo bằng bè Ảnh: Hà Trang


Đang độ sẵn gió mùa đông bắc, chiếc tàu nằm cảng to là thế, ra ngoài biển bị sóng nhồi lắc chẳng khác gì chiếc lá tre trong hồ gặp cơn gió lớn. Cánh nhà báo trẻ nhiều người say lử, nằm bẹp ở góc tàu. Tranh thủ lúc chưa bị sóng quật ngã, tôi lần xuống khoang bếp. Mấy cánh anh nuôi cho biết: Trước kia nhiều đảo thuộc Vùng I cũng khó khăn lắm, có bữa, trước khi ra đảo, tàu chúng em xin dân được rất nhiều thân cây chuối, định đem ra đảo để nuôi lợn. Ra đến đảo thì bão ập về. Hơn một tuần mưa to, gió lớn, không có rau xanh, chúng em phải thái chuối ra ăn dần. Nay thì khác rồi, bão cả tháng cũng không lo...

Sau quãng hơn 6 giờ lắc lư, đảo Trần lừng lững hiện ra trước mặt. Đảo không có cầu cảng, nên tàu phải neo ngoài xa. Các chiến sỹ dùng bè kết bằng nứa bơi ra "tăng bo" các nhà báo lên đảo. Giày, tất cởi ra đeo vào cổ, tay giơ cao máy ảnh, máy quay phim tránh nước, cứ mỗi con sóng ào đến làm chiếc bè chòng chành là một lần chúng tôi sợ thót tim, ngộ nhỡ bị lật nhào, ướt, rét không ngại, chỉ sợ hỏng đồ nghề thì chẳng còn gì mà tác nghiệp.

Đơn vị đầu tiên chúng tôi tới thăm là Trạm ra đa 180. Bước vào hội trường của trạm đã thấy đầy ắp không khí Tết. Các chiến sỹ khoe: Đào thì sẵn trong rừng, hoa trồng ngoài sân đủ cả đồng tiền, thược dược, hoa hồng... chỉ có mâm ngũ quả là kém sắc vì bị mất mùa quýt rừng. Năm ngoái, chỉ đi một lúc là được cả thúng. Năm nay, trạm cử mấy chiến sỹ đi lùng cả buổi sáng mới gom được hơn chục quả. Cái giống quýt rừng màu đỏ rực, nhỏ nhưng ngọt lịm. Chỉ thiếu những chiến sỹ đang phải trực chiến, còn lại tất cả đơn vị đều có mặt ở hội trường để nghe thủ trưởng Vùng chúc Tết. Tôi đã dự nhiều cuộc chúc Tết nhưng chưa thấy có cuộc nào như lần này. Không chỉ có tay bắt mặt mừng, chúc nhau mạnh khỏe, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà các thủ trưởng dành nhiều thời gian để kiểm tra việc chuẩn bị đón Tết của đơn vị. Đặc biệt là muốn nghe tâm tư của các chiến sỹ Tết này sẽ ở lại đảo, không được về sum họp với gia đình.

Thiếu tá Đặng Văn Đoàn, Trưởng trạm báo cáo: Về lịch trực chiến, chúng tôi đã phân công đầy đủ, đúng theo quy định của cấp trên. Đón Tết Canh Dần, ngoài chế độ chung của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và Vùng... đơn vị cũng đã có kế hoạch cụ thể. Hiện trên đảo, trạm nuôi được gần 30 con bò, vàng cả một góc núi. Gói bánh chưng ngày 28, đến chiều 29 Tết "ngả" một con bò, chúng tôi "đụng" với đơn vị bộ binh đang đóng quân trên đảo cùng vui đón xuân. Chúng tôi còn nuôi được nhiều lợn, gà và có một ao cá. Thường ngày biển yên, chỉ cần 3-4 chiến sỹ đi câu một lúc là có dăm cân cá biển, khi biển động, đã có sẵn "đồ" trong chuồng, trong vườn, dưới ao, chỉ lo thiếu gạo thôi chứ thực phẩm trạm có thể tự cung, tự cấp rồi... Thiếu tá Đặng Văn Đoàn cho biết thêm.

Ra là vậy. Giờ thì tôi mới hiểu vì sao Tết ra thăm đảo mà tàu không phải mang theo hàng.

Sau "màn" kiểm tra nhiệm vụ vật chất, đến đoạn hỏi về đời sống tinh thần, tâm tư của lính đảo, không khí hội trường sôi động, ấm áp hẳn lên: - "Báo cáo thủ trưởng, cho tôi hỏi vì sao chúng tôi được Quân chủng cấp đất theo chế độ, tôi đã đóng tiền đủ 100m2, nhưng chỉ nhận được 46m2?"; "Báo cáo, trên đảo có những chiến sỹ đã hai Tết chưa được về nhà. Đặc biệt có một đồng chí bố mới mất, mẹ ốm nặng, vợ vừa sinh con được 1 tháng, nhưng Tết này vẫn phải ở lại đảo để trực, mong các thủ trưởng nghiên cứu giải quyết?"; "Báo cáo, tôi thấy Tết này kém Tết năm ngoái"...
- Kém là sao? Chính ủy Nguyễn Ngọc Tương chợt giật mình hỏi.
- Năm ngoái, ngoài các chế độ chung, thủ trưởng Vùng còn cho mỗi lính đảo thêm một cân... tu hài - chiến sỹ đáp. Cả hội trường cười ồ lên.
- Về chuyện đất, theo cấp bậc và năm công tác thì đồng chí được phân 46m2, Quân chủng thu tất cả các suất như nhau, đến khi làm sổ đỏ xong, sẽ quyết toán lại theo diện tích thực nhận - Chính ủy Tương trả lời. Về giải quyết chế độ nghỉ Tết, bên cạnh các quy định, thì trên đảo, tùy theo từng trường hợp cụ thể, nhưng cũng với trách nhiệm, chúng ta phải coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, khó khăn của đồng đội cũng là khó khăn của ta, trên tinh thần đó để chia sẻ với nhau. Khi các đồng chí giải quyết hợp lý, hợp tình thì chẳng có cấp trên nào lại không nhất trí. Còn về một cân tu hài làm quà Tết, do năm nay mất mùa tu hài, nên trong ba lô về quê, những người lính đảo thiếu mất chút hương vị biển, đó là lý do khách quan, các đồng chí cũng giải thích để gia đình hiểu. Các chế độ vật chất khác, Quân chủng đã cấp đầy đủ, có phần còn "tươi" hơn năm ngoái... Nghe thủ trưởng Vùng giải thích, cả hội trường vỗ tay ran.

Đảo Trần là đảo đàn ông, toàn sỹ quan chuyên nghiệp, duy nhất có một "hoa hậu" - theo cách gọi của lính đảo - là một chiến sỹ nghĩa vụ. Chiến sỹ đó là Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1990, quê Mỹ Đức, Hà Nội. Xuân nhập ngũ được hơn 1 năm, ra đảo được 4 tháng và Tết này sẽ ở lại đảo. Giọng Xuân nghẹn lại, mắt ngấn nước, khi nói về cái Tết đầu tiên xa nhà: "Bố em mất sớm, em chưa có người yêu, Tết này em chỉ nhớ đến mẹ và mấy đứa cháu. Tranh thủ những lúc rỗi việc, em lại chạy khắp đảo để "vớt sóng". Ở đây có một trạm thu phát của Viettel, nhưng sóng yếu lắm, phải tìm đúng chỗ mới nghe được".
- Thế Xuân có nhắn gửi gì cho mẹ và người thân không?
"Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm! Mẹ yên tâm, con rất khỏe, ngoài đảo này các chú, các anh yêu thương con như người trong nhà. Các cháu của cậu ơi! Tết này cậu không về được, cho cậu nợ tiền lì xì nhé, khi về phép cậu sẽ đền...". Nói đến đây, Xuân òa khóc và vụt chạy mất.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
gian khổ, biết dành phần ai?"...
Rời đảo Trần, chúng tôi lại lênh đênh trên những ngọn sóng để đến đảo Trà Bản.
- Để đến được Trạm ra đa 485 trên đảo Trà Bản, người khỏe sẽ phải leo hơn 2 giờ, qua bảy cây số đường dốc dựng đứng - một chiến sỹ hải quân dẫn đường nói. Nghe đến quãng đường "hãi hùng" này, hơn nửa số nhà báo đành bỏ cuộc.
Đã leo đến nhiều điểm cao ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, thoạt đầu tôi nghĩ, dốc trên đảo chắc cũng xoàng thôi. Thế nhưng có leo mới thấy dốc 485 cũng "đáng mặt" để thử thách sức khỏe và ý chí. Dốc cũng xuyên qua rừng già, cũng có vắt nhiều như vãi trấu và nhiều đoạn dốc dựng đứng đến độ gót chân người nọ chạm mũi người kia. Dốc cao, dài và hiểm trở là thế, nhưng các chiến sỹ hải quân đã cõng trên vai mỗi người hàng chục cân, ròng rã nửa năm trời, gùi gần trăm tấn vật liệu lên xây trạm ra đa.

Khi các thủ trưởng Vùng lên tới đỉnh 485, không nghỉ ngơi, lệnh báo động được phát ra. Các chiến sỹ nhanh chóng vào vị trí chiến đấu. Khẩu lệnh tìm mục tiêu vang lên.
- Báo cáo, có 2 tàu buôn và 3 tàu đánh cá tại tọa độ... Tại tọa độ... có 2 tàu nữa...
Những kết quả quan sát đều được đánh dấu trên hải đồ và ghi vào sổ. Trên màn hình nhằng nhịt những sóng xanh và chi chít các điểm chấm bé như đầu kim. Chúng tôi như nhìn vào bức vách, chịu chẳng luận ra nổi trong vô vàn chấm tí xíu kia, đâu là tàu buôn, đâu là tàu đánh cá, đâu là tàu của ta, của nước ngoài... Dù trong phòng có điều hòa mà vẫn thấy mồ hôi rịn trên trán các chiến sỹ, chứng tỏ sự căng thẳng khi tác nghiệp. Kết thúc cuộc báo động, Trạm 485 được các thủ trưởng Vùng đánh giá "Sẵn sàng chiến đấu tốt".

Trong câu chuyện chúc Tết, chúng tôi hiểu thêm nỗi vất vả của những người lính đảo. Một năm các anh được về phép một lần quãng 20 ngày và về tranh thủ một lần 7 ngày. Năm nay, về phép kết hợp nghỉ Tết thì sang năm phải trực, để người khác về. Vì đồng đội có những việc cần kíp hơn, nhiều người sẵn sàng nhường phép, ở lại trực thay, chính vì thế có nhiều cán bộ, chiến sỹ mấy Tết liền không có mặt ở nhà. Có anh ra đảo khi vợ đang mang bầu, khi về con đã 2-3 tuổi. Nhà dột, con ốm đau, bố mẹ qua đời... đều trông cả vào vợ. Có những câu chuyện "tranh thủ" của lính đảo đúng là "cười trong nước mắt". Chuyện là thế này. Một chiến sỹ mới cưới vợ xong hơn chục ngày đã phải ra đảo. Anh đi biền biệt qua Tết, hơn một năm vẫn chưa về. Lần ấy đảo cử mấy cán bộ, chiến sỹ vào đất liền công tác. Người chiến sỹ nọ được thủ trưởng cho đi cùng. Trên đường đi, anh chiến sỹ, chắc phải mất ngủ mấy đêm và cũng đắn đo lắm, lựa mãi anh mới dám xin thủ trưởng cùng ghé qua nhà ít phút. Thương lính, thủ trưởng đồng ý ngay, nhưng cũng chỉ cho phép 30 phút vì sợ muộn giờ họp ở Quân chủng. Vừa về đến nhà, cặp "ngưu lang chức nữ" ôm chầm lấy nhau, khóc như mưa. 10 phút vàng ngọc trôi qua trong nước mắt. Chén nước chè vợ chồng trẻ rót mời thủ trưởng đắng ngắt. Ngày gặp mặt lẽ ra phải mừng vui, vậy mà... Bỗng mắt thủ trưởng ánh lên hóm hỉnh, ông nói với vợ chồng cậu lính: Sắp Tết rồi, ngoài đảo còn chưa có mâm ngũ quả. Vườn nhà cậu nhiều chuối xanh, hai vợ chồng chặt cho đơn vị mấy nải. Hai cô cậu cuống quýt chạy ra vườn. 15 phút sau, cậu chiến sỹ khệ nệ ôm cả buồng chuối vào, cô vợ bẽn lẽn đi đằng sau, mắt vẫn còn ướt, nhưng nom ngập tràn hạnh phúc. Chuyện trong vườn chuối chẳng ai nhìn thấy, nhưng trong đoàn công tác hôm ấy, ai cũng biết. Chúng tôi nghe kể lại mà thấy nao lòng. Thương quá, cảm phục quá sự hy sinh của những người lính đảo!

Nhiều chiến sỹ tâm sự với chúng tôi, gia đình thấy các anh quá vất vả, khuyên nên xuất ngũ hoặc chuyển ngành... nhưng các anh đều trả lời, mình chọn việc dễ, gian khổ để phần ai, biển đảo để ai canh giữ?...

Chúng tôi rời đảo Trà Bản khi màn đêm vừa xuống. Sương dày đặc, tưởng có thể vốc từng nắm. Thời tiết thế này rất khó khăn cho việc quan sát biển đảo. Thế nhưng chúng tôi thấy vững tâm, bởi có những đôi mắt biển - những đôi mắt trong vắt của các chàng lính trẻ bên những đôi mắt đầy kinh nghiệm, dạn dày mưa bão của những cán bộ lâu năm - các anh đang thức cho đất liền đón những mùa xuân mới bình yên...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mắt biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.