(HNMO) – Dự báo này được Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đưa ra tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2016 vừa công bố.
Theo VCBS, trong phần lớn thời gian của quý III, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định và ít biến động so với cuối tháng 6. Thời điểm tuần cuối tháng 9, một số ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, giảm mặt bằng lãi suất huy động khoảng 0,3%-0,5% đối với các kỳ hạn dưới 1 năm. Theo đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,3%-5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3%-6,8%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5%-8%/năm.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Với việc lãi suất huy động, đầu vào của các ngân hàng giảm trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng ở mức rất dồi dào, một số ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%-1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư và khởi nghiệp. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 6%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
VCBS chỉ ra sự khác biệt với giai đoạn trước cho thấy, yếu tố tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất trong thời gian qua cũng như những tháng còn lại của năm 2016 chủ yếu đến từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Trước tiên phải kể đến yếu tố mùa vụ khi nhu cầu tiền mặt về cuối năm và thời điểm cận Tết thường dâng cao và tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất. Tiếp đến là quá trình tái cơ cấu đang diễn ra, trong đó phải kể đến áp lực cạnh tranh huy động giữa các ngân hàng, không chỉ để giữ thị phần mà còn cả nhu cầu đáp ứng các hệ số thanh khoản và an toàn theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn.
Ở chiều ngược lại, áp lực lên mặt bằng lãi suất cũng được trung hòa và giải tỏa trong bối cảnh định hướng chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, theo hướng hỗ trợ việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tỷ giá và thị trường ngoại hối kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định; thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào và dư thừa sau động thái mua ròng mạnh USD của Ngân hàng Nhà nước suốt thời gian qua; lạm phát và kỳ vọng lạm phát trong tầm kiểm soát.
“Vì vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong những tháng tới nhiều khả năng sẽ ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức hiện tại”, VCBS dự báo.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.