Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện thị trường cho thuê mặt bằng các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng.
Nhu cầu thuê thấp trong khi các chủ mặt bằng không hạ giá cho thuê hoặc mức hạ thấp khiến nhiều cửa hàng “cửa đóng then cài”.
Mặt bằng kinh doanh vắng khách thuê
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Cầu Gỗ, Hàng Bài, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Kim Mã, Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình); Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa); Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)..., giá cho thuê mặt bằng kinh doanh đều ở mức cao, vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/tháng.
Đơn cử tại phố Hàng Bông, cửa hàng có diện tích khoảng 40m2, giá cho thuê trung bình 30-50 triệu đồng/tháng. Mặt tiền nhỏ, diện tích bé hơn ở phố Cửa Nam, từ 15 đến 22m2, giá cho thuê dao động 15-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng ở những khu vực này đang trong tình trạng “cửa đóng then cài” vì không có khách thuê.
Tương tự, tại Kim Mã - tuyến phố vốn dày đặc cửa hàng kinh doanh quần áo, đồ chơi, thời trang phụ kiện, nay nhiều mặt bằng cũng đóng cửa hàng loạt. Bà Lê Huyền Trang, chủ ngôi nhà cho thuê ở phố Kim Mã cho biết, trước đây bà cho thuê với giá 60 triệu đồng/tháng. Hiện khách thuê đã trả lại mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm. Hơn một tháng nay, bà treo biển cho thuê nhà nhưng vẫn chưa có khách...
Tại các tuyến phố trước đây hút giới trẻ do kinh doanh đồ thời trang, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm như Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy); Xã Đàn (quận Đống Đa)… hiện cũng có tình trạng hàng loạt cửa hàng trả mặt bằng kinh doanh.
Anh Nguyễn Hùng Cường, một người kinh doanh quần áo cho biết, anh thuê cửa hàng có diện tích 40m2 ở đường Cầu Giấy với giá 30 triệu đồng/tháng, hoạt động được một năm song kinh doanh khá ế ẩm. Do đó, anh buộc phải cân đối chi phí, cắt giảm nhân viên, tăng cường bán hàng trực tuyến để lấy thu bù chi. Tuy nhiên, sau một thời gian anh Cường vẫn buộc phải trả lại mặt bằng, chuyển hướng kinh doanh online.
Xây dựng văn hóa chia sẻ, hỗ trợ trong kinh doanh
Là một môi giới mặt bằng cho thuê, anh Vũ Ngọc Trường (ở phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chưa bao giờ việc tìm khách thuê mặt bằng lại khó khăn như giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp, khách thuê trả lại mặt bằng do giá thuê cao, trong khi kinh doanh ế ẩm, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm. Bên cạnh đó, trước sự phát triển của công nghệ số, các hoạt động kinh doanh như bán quần áo, hóa mỹ phẩm trực tiếp giảm sút, còn nhu cầu mua bán trực tuyến tăng vọt. Trong khi đó, nhiều chủ nhà vẫn không hạ giá mặt bằng cho thuê, nếu có chỉ giảm rất ít, không đủ kích cầu. Vì điều này, môi giới cho thuê mặt bằng cũng sụt giảm doanh thu.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, gần đây nhiều mặt bằng cho thuê bị bỏ trống do chủ kinh doanh không "gánh" được các chi phí thuê cửa hàng, lương nhân viên, tiền điện, nước… Một nguyên nhân quan trọng khác là mặc dù kinh tế khó khăn nhưng giá cho thuê mặt bằng vẫn ở mức cao. Vì điều này nên chủ nhà và người thuê không có tiếng nói chung, buộc phải ngừng giao dịch.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, nhu cầu thuê mặt bằng của các thương hiệu lớn, hay một số nhà hàng cao cấp tại các nhà mặt phố hiện vẫn được duy trì. Ngược lại, những cửa hàng kinh doanh sản phẩm có thể chuyển đổi bán hàng theo hình thức trực tuyến thì gần như đã rút lui hết. Tình trạng trả lại mặt bằng ở những cửa hàng kinh doanh tại những phố nhỏ, ngõ nhỏ hiện cũng khá phổ biến.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, tình trạng hàng loạt mặt bằng "cửa đóng then cài" như trên cho thấy, ở đây chưa có sự chia sẻ lẫn nhau giữa người cho thuê và người thuê, giúp doanh nghiệp, cửa hàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh kinh tế khó khăn; dường như văn hóa hỗ trợ, chia sẻ chưa xuất hiện trong cộng đồng những người có nhà cho thuê ở Việt Nam.
“Chủ nhà nên chủ động hỗ trợ người thuê, doanh nghiệp thuê, cùng tựa vào nhau để vượt qua khó khăn. Nếu chủ nhà ứng xử tốt thì người thuê có thiện cảm và trở thành khách hàng bền vững lâu dài. Trên tinh thần đó, tôi cho rằng Chính phủ đã có những chính sách, động thái hỗ trợ cho người dân, thì không có lý gì mà các hiệp hội dạy nghề, hiệp hội doanh nhân, các đơn vị truyền thông không vào cuộc, chung tay tuyên truyền, lên tiếng kêu gọi cộng đồng để cùng nhau hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh được tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Đính nói.
Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, trong bối cảnh các cửa hàng, doanh nghiệp đang “gồng mình” để vượt qua khó khăn thì các chủ nhà cho thuê mặt bằng cần thay đổi để thích nghi. Trong đó, cần tham khảo mặt bằng chung để đưa giá thuê nhà về đúng giá trị của nó, đi kèm với đó là hoàn thiện hạ tầng mặt bằng, đáp ứng các điều kiện của pháp luật, công năng sử dụng hợp lý... để cả hai bên đều có lợi, cùng nhau phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.