(HNMO) - Ngày 14-3, Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đang tiếp nhận đơn trình báo của anh L.X.D (sinh năm 1980; ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) về chiêu lừa đảo giả danh giáo viên, gọi điện cho phụ huynh thông báo con gặp nạn đang đi cấp cứu, phải chuyển tiền gấp để làm thủ tục nhập viện vừa xuất hiện.
Theo đó, khoảng 15h ngày 13-3, trong khi đang làm việc, anh L.X.H nhận được một cuộc điện thoại từ số thuê bao 0774105315, đầu dây bên kia nói: "Em là cô giáo của L.T. M, con bị tai nạn ở trường, đang vào bệnh viện 354, gia đình vào luôn nhé". Vì con gái của anh H đúng là tên L.T.M (hiện là sinh viên năm thứ 2 tại một trường đại học ở Hà Nội) nên anh H rất hoảng hốt.
Anh H gọi điện ngay cho gia đình để báo tin, đồng thời xin nghỉ làm sớm để vào bệnh viện. Mấy phút sau, anh tiếp tục nhận được cuộc điện thoại thứ 2, được chuyển máy đến một đối tượng tự xưng bác sĩ nói: "Cháu ngã từ tầng 3 xuống, chảy máu tai nhiều, có thể chảy máu não, khả năng cao bị chấn thương sọ não".
Đang đi trên đường, anh H nhận được cuộc gọi thứ 3. Đối tượng tự xưng cô giáo nói là vì đi gấp nên không mang theo tiền mà bây giờ phía bệnh viện yêu cầu nộp tiền trước thì mới làm thủ tục nhập viện và phẫu thuật cho bệnh nhân được. Do đó, anh H đã tin và chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản của nhân viên bệnh viện.
Chưa dừng lại, khi đối tượng tiểp tục gọi điện bảo con gái phải chuyển viện yêu cầu chuyển tiền tiếp, anh H nói đã biết chuyện lừa đảo từ thông tin gia đình, đối tượng lập tức tắt máy, thuê bao không liên lạc được. Biết mình bị lừa, anh H đã tới cơ quan công an trình báo.
Trước thủ đoạn phạm tội mới này, Công an thành phố Hà Nội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra cảnh báo tới các phụ huynh và nhà trường. Để tránh rủi ro, khi nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến con em mình, phụ huynh bình tĩnh và tìm cách liên lạc với người trực tiếp dạy học, chăm sóc hay ở gần khoảng cách với con em mình nhằm kiểm tra thông tin.
Bên cạnh đó, cần để ý các dấu hiệu đáng ngờ của thông tin như cách xưng hô khác biệt thường ngày, thời gian báo tin vào giờ nghỉ trưa, giữa đêm hay giờ tan tầm...
Các phụ huynh cần cảnh giác với việc đối tượng "thuộc lòng" các thông tin về trường học của con, lớp học của con, tên giáo viên chủ nhiệm, thầy cô, hiệu trưởng... nhưng lại không thể cung cấp thông tin cá nhân, nơi làm việc một cách rõ ràng, cụ thể để tránh bị lừa và làm theo yêu cầu của các đối tượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.