Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh tay với vi phạm về an toàn thực phẩm

Xuân Lộc| 20/09/2018 06:58

(HNM) - Tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ngày một gia tăng, đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, số vụ vi phạm bị xử lý mạnh tay còn khiêm tốn.


Vi phạm vẫn diễn biến phức tạp...

Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, 63 tỉnh, thành phố đã thanh tra, kiểm tra được 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (chiếm 19,47%). Trong đó, phạt tiền 13.017 cơ sở với hơn 35,4 tỷ đồng. Nguyên nhân xử phạt chủ yếu là thiếu dụng cụ, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh kém, vi phạm về con người...

Ngoài ra, một số cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Ngoài các hình thức xử phạt hành chính, cơ quan chức năng còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như: Đình chỉ lưu hành sản phẩm 167 cơ sở; 2.822 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 3.121 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm…

Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu trên địa bàn Hà Nội.


Riêng trên địa bàn Hà Nội, hiện có gần 66.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng của thành phố đã tổ chức 778 đoàn thanh tra, kiểm tra 70.258 lượt cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 4.801 cơ sở với hơn 17,3 tỷ đồng, tiêu hủy sản phẩm của 65 cơ sở.

Trong số các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cơ sở gian lận thương mại hoặc mua, bán thực phẩm hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc, xuất xứ, nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái…

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm cao trên cả nước. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm cần đẩy mạnh hơn nữa để củng cố niềm tin nơi người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý và ý thức chấp hành pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Trước diễn biến phức tạp vi phạm về an toàn thực phẩm, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, những năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có hơn 5.200 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có khoảng 30 người tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm thiếu an toàn của con người. Không ít ý kiến cho rằng, việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường nhiều, nhưng phát hiện sai phạm lại ít, hay việc xử lý vi phạm không mạnh tay, chưa đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, trên thực tế, muốn xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, thì phải định nghĩa được hành vi đó sai phạm như thế nào, áp vào điều khoản nào trong luật, có nhân chứng, vật chứng không và phải có đủ căn cứ, do đó, muốn phạt nặng hơn cũng không được.

Tăng cường hậu kiểm, xử phạt nặng


Thời gian qua, việc triển khai Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, Nghị định 178/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Vì vậy, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng nặng mức xử phạt và bổ sung các hình thức xử phạt.

Theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP, hình thức xử phạt chính là phạt tiền, với mức tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm và không có hình thức cảnh cáo. Đáng chú ý, mức trần xử phạt không vượt quá 100 triệu đồng đã được bãi bỏ. Khung phạt tiền với hành vi sử dụng hóa chất cấm cũng được tăng lên ở mức 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Nghị định mới này cũng quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm… Cơ sở vi phạm cũng bị buộc phải tự tiêu hủy thực phẩm cũng như chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm và phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn…

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, khi triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tập trung, dồn nguồn lực vào công tác hậu kiểm.

Mặt khác, khi Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP, công tác hậu kiểm cũng phải được tăng cường và xử phạt thật nặng để tăng tính răn đe. Nếu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật thì chắc chắn công tác quản lý an toàn thực phẩm sẽ phát huy hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay với vi phạm về an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.