(HNM) - Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 đã diễn ra được hơn 2 tuần. Mặc dù có địa bàn rộng, đông dân cư nhưng với sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã nên trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, Hà Nội đã quyết liệt xử lý nhiều vụ vi phạm, góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Xử lý vi phạm đối với hơn 400 cơ sở
Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm nay (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) có chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ngay sau khi có kế hoạch của UBND thành phố, 30/30 quận, huyện, thị xã và 584/584 xã, phường, thị trấn đã xây dựng và tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 trên địa bàn, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm xuống đến cơ sở. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, trong hơn 2 tuần triển khai, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra khoảng 6.500 cơ sở thực phẩm, trong đó xử lý vi phạm hơn 400 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 2,2 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội. |
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác kiểm tra tập trung xử lý thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Qua kiểm tra cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất, các đối tượng thường đặt gia công ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với người lao động có thu nhập thấp, thường được sản xuất ngay trong nước. Bên cạnh đó còn nổi lên thực trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả về nhãn hàng hóa, tem nhãn, bao bì…, thậm chí, đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2019 nói chung và Tháng hành động vì An toàn thực phẩm nói riêng, lực lượng quản lý thị trường tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ và vấn đề vi phạm an toàn thực phẩm. Lực lượng quản lý thị trường định hướng triển khai nhiệm vụ an toàn thực phẩm là phải tham gia sâu, theo tuyến, nhất là cần sự phối hợp và vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Qua kiểm tra việc triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã hoạt động đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp. Nhờ đó, dù Hà Nội luôn là địa bàn “nóng” về vấn đề an toàn thực phẩm nhưng công tác quản lý lĩnh vực này vẫn mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tiếp tục mạnh tay với vi phạm
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, công tác quản lý an toàn thực phẩm vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, trên địa bàn Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, việc quản lý sản xuất và kinh doanh rượu thủ công còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như: Gia súc, gia cầm, hoa quả, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh… không bảo đảm an toàn từ các tỉnh về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Mặt khác, tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, một số vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như lừa đảo trên internet… Tất cả những điều này đòi hỏi cần có cách nhìn mới và cách giải quyết mới.
Đứng trước những thách thức này, ông Nguyễn Khắc Hiền đề nghị, cơ quan chức năng trung ương như: Hải quan, công an, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra và ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục vào thị trường trong nước. Ngoài ra, cần ngăn chặn nhập lậu hoặc tạm nhập những sản phẩm động vật không bảo đảm an toàn để đưa vào tiêu thụ trên thị trường Hà Nội. Đối với các địa phương, cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng các điểm giết mổ tập trung, đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra việc kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trong nội thành và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm.
Ông Trần Hữu Linh cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng của trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương nói chung và Hà Nội nói riêng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm để đưa hoạt động kinh doanh, sản xuất thực phẩm vào nền nếp. Riêng với Hà Nội, ông Trần Hữu Linh đề nghị, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố cần tiếp tục nâng lên một bước nữa, nhất là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và tập trung vào những cơ sở nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường để nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.