(HNM) - Chiếm dụng đại lý của DN khác, những yếu kém trong công tác kiểm soát đại lý và sự gia tăng hành vi trục lợi bảo hiểm… đang là những
Song trên thực tế, tình trạng chiếm dụng đại lý của DN khác, những yếu kém trong công tác kiểm soát đại lý và sự gia tăng hành vi trục lợi BH… cũng đang là những "mảng tối" của thị trường BH Việt Nam.
Giới thiệu các sản phẩm bảo hiểm tới khách hàng tại Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam. |
Cạnh tranh không lành mạnh, trục lợi gia tăng
Bản báo cáo mới công bố của EY về sự dịch chuyển của ngành BH cho thấy, Trung Quốc tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng phí BH trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam đã lọt vào danh sách hai thị trường dẫn đầu về thu hút các DN BH nước ngoài.
Theo dự báo của Cục Quản lý giám sát BH (Bộ Tài chính), năm 2014, tổng doanh thu phí BH ước đạt 51.632 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013, trong đó doanh thu phí BH phi nhân thọ tăng 8%, doanh thu phí BH nhân thọ tăng khoảng 11,5%. Phí BH thu xếp qua môi giới BH phấn đấu tăng 5-7% so với năm 2013.
Song theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thị trường BH Việt Nam vẫn tồn tại nhiều "mảng tối". Tại khối BH nhân thọ, vẫn còn tình trạng tranh chấp, lôi kéo lao động có tay nghề cao, có trình độ quản trị điều hành DN. Việc chiếm dụng đại lý của DN khác, quản lý đại lý còn lỏng lẻo khiến sai phạm nảy sinh, gây thiệt hại lớn cho khách hàng mua BH cũng là những bất cập diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, tại khối BH phi nhân thọ, số lượng DN lỗ trong hoạt động kinh doanh BH vẫn chiếm tới gần 50% (15/29 DN). Tình trạng trục lợi BH xảy ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng tăng tại một số nghiệp vụ như: BH xe cơ giới, BH thân tàu, BH con người… Các DN khối BH phi nhân thọ chưa có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dẫn đến tình trạng chưa ngăn chặn được tình trạng trục lợi. Ngoài ra, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như: Chạy đua giảm phí, mở rộng điều khoản, điều kiện BH, tăng chi phí hoạt động kinh doanh… diễn ra khá phổ biến, dẫn đến khó khăn trong thu xếp tái BH ra nước ngoài và làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Nhận xét về những "mảng tối" trên thị trường, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH Việt Nam cho rằng, những vấn đề này cần phải quản lý ngay từ đầu. Nếu DN chậm trễ sẽ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán tiền bồi thường. Trong khi đó, kinh doanh BH là hoạt động tài chính hết sức nhạy cảm. Nếu DN mất khả năng thanh toán, khách hàng đồng loạt đòi lại phí BH sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn thị trường tài chính tiền tệ, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Nhiều việc phải làm
Trên thực tế, ở những nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành BH khá mạnh mẽ. Đặc thù của những quốc gia này là tầng lớp trung lưu, vốn là các thành viên chủ chốt trong gia đình, đã trở thành lớp người cao tuổi và không còn nhiều khả năng chăm sóc gia đình như trước. Kết quả là, doanh số bán hàng của sản phẩm BH hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và khuyết tật dài hạn gia tăng đáng kể. Thực tế này đã giải thích lý do tại sao tăng trưởng thị trường BH ở các quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Saudi Arabia những năm gần đây luôn ở mức cao.
Nhận xét về triển vọng của thị trường BH, lãnh đạo nhiều DN cho rằng, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết trong năm 2014 sẽ tạo cú hích cho ngành tài chính - ngân hàng, qua đó tác động tích cực tới thị trường BH. Mặc dù những khó khăn về kinh tế có thể còn tiếp diễn, song đây cũng chính là cơ hội để ngành BH phát triển với vai trò là giải pháp bảo vệ tài chính trước rủi ro, vừa tiết kiệm vừa có khả năng sinh lời an toàn hơn nhiều kênh đầu tư khác. Mấu chốt là mỗi DN cần nghiên cứu và cung cấp kịp thời cho thị trường những sản phẩm BH mới, chất lượng cao, có thể đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý trong việc xử lý nghiêm hành vi trục lợi BH, chiếm dụng đại lý, qua đó xây dựng thị trường theo hướng minh bạch, phát triển lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.