(HNMCT) - Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Chile, Patricio Guzman từng ví: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh". Còn các nhà làm phim Việt quen gọi phim tài liệu là “người chép sử bằng hình ảnh”. Sự dấn thân vào những đề tài nóng, khó, mang tính thời đại của các nhà làm phim mang đến cho công chúng những góc nhìn chân thực về cuộc sống, nối dài lịch sử đáng tự hào của phim tài liệu Việt.
Khi phim tài liệu trở thành hiện tượng
Nước mắt khán giả đã rơi trước những khuôn hình đầy ám ảnh của bộ phim tài liệu “Ranh giới” phát sóng trên kênh VTV1 vào tối 8-9. Có lẽ đó là hiện tượng hiếm gặp khi đông đảo người xem bàn luận, chia sẻ trên mạng xã hội nhiều đến như vậy về một bộ phim tài liệu.
“Ranh giới” do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư thực hiện, phản ánh chân thực cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nơi tuyến đầu, nơi sự sống và cái chết, hy vọng và tuyệt vọng chỉ là ranh giới mong manh. Chọn bối cảnh là khu cách ly điều trị các sản phụ F0 thuộc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh), cách thể hiện là bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật và không sử dụng lời bình, bộ phim như đa số khán giả nhận xét, đã thách thức cảm xúc người xem. Nói là thách thức bởi nó khiến người ta cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng trước bầu không khí “chiến trường”, sự chật chội của không gian khu cách ly luôn trong tình trạng quá tải, tiếng chuông điện thoại, tiếng gọi bác sĩ dồn dập. Lòng người chùng xuống khi dõi theo tâm trạng của những người phụ nữ sắp làm mẹ nhưng phải đối diện với lựa chọn sinh tử. Thách thức bởi nó chạm đến tận cùng của nỗi sợ hãi, nỗi đau, nỗi ám ảnh...
Nhấn vào điểm nóng nhất của cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhìn thẳng vào nỗi đau sinh tử, “Ranh giới” có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng như một hiện tượng với hàng triệu lượt xem.
Bên cạnh đạo diễn Tạ Quỳnh Tư với hai bộ phim “Ranh giới” và “Ngày con chào đời”, còn rất nhiều nhà làm phim khác cũng dấn thân để giúp khán giả có được cái nhìn chân thực hơn về cuộc chiến chống dịch Covid-19 và để lại ấn tượng sâu sắc với người xem. Phim tài liệu “Chuyện ở thành phố thức” gồm 3 tập với tên gọi “Thành phố thức”, “Thành phố thở” và “Thành phố sáng tạo”, lần lượt kể câu chuyện của lực lượng chống dịch làm việc trong đêm, câu chuyện thở của bệnh nhân nhiễm Covid-19 và việc cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân. “HTV từ tâm dịch” với 3 tập phim “Dã chiến”, “Ngày về” và “Hậu phương” lại là câu chuyện về những số phận ở Bệnh viện dã chiến số 6. Cùng với đó là những bộ phim như “Cuộc chiến không giới hạn”, “Cùng nhau vượt qua đại dịch”, “Lựa chọn của tôi”, “Trở về cuộc sống”... mang đến góc nhìn đa chiều về cuộc sống mùa dịch với những hiểm nguy, nhọc nhằn và cả sự sẻ chia ấm áp.
Dấn thân vào những đề tài nóng
Xác định vai trò là những người “chép sử bằng hình ảnh”, các nhà làm phim tài liệu xưa nay luôn dấn thân vào những đề tài nóng, những vấn đề mang tính thời đại. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, các nhà làm phim đã cho thấy sự dấn thân của họ nơi tuyến đầu, không khác gì các y, bác sĩ. Trên facebook cá nhân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Long, người tham gia thực hiện bộ phim tài liệu “Chuyện ở thành phố thức” chia sẻ: “Nếu coi VTV như một binh chủng trong công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19, thì Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự là một binh đoàn; năm anh em chúng tôi Tạ Quỳnh Tư, Kiều Viết Phong, Hoa Nguyễn, Trung Nguyễn là những người lính trên chiếc xe tăng”. Các phóng viên trong bộ đồ bảo hộ có mặt ở khắp nơi, từ bệnh viện dã chiến đến những ngóc ngách trong thành phố đã giúp công chúng có cái nhìn chân thực, toàn diện về cuộc chiến chống dịch.
Không chỉ với đề tài chống dịch Covid-19, nhiều bộ phim tài liệu trước đó cũng cho thấy sự dấn thân của các nhà làm phim để phản ánh hiện thực một cách chân thực nhất. Thời gian làm phim không tính bằng ngày, tháng mà tính bằng đơn vị năm. Để thực hiện phim tài liệu “Đoạn trường vinh hoa”, đạo diễn Lê Mỹ Cường mất 18 tháng đồng hành cùng nhân vật, ăn ngủ cùng họ. Làm phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã ở cùng và ghi hình nhân vật trong suốt 13 tháng. Phim "Lửa Thiện Nhân" được nhà báo, đạo diễn Đặng Hồng Giang thực hiện trong vòng 3 năm. Trần Phương Thảo cũng mất 3 năm để thực hiện bộ phim "Đi tìm Phong”...
Việc dấn thân vào những vấn đề nóng, theo đuổi đề tài một cách quyết liệt đã là truyền thống của ngành phim tài liệu Việt Nam. Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đánh giá: “Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các nhà làm phim tài liệu, các phóng viên chiến trường đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn lên đường ra mặt trận như một người lính để ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc ta. Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim đã hy sinh khi máy quay vẫn đang chạy. Sau hòa bình lập lại, đất nước bước sang một thời kỳ mới, hòa bình, thống nhất và xây dựng đất nước, trong bất kỳ giai đoạn nào thì phóng viên, nhà làm phim tài liệu cũng đều có mặt để ghi lại những sự kiện đó, đây là kho tư liệu quý báu cho lịch sử nước nhà. Hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, một lần nữa tinh thần ấy lại được các nghệ sĩ, các nhà làm phim tài liệu phát huy. Họ đã dấn thân vào những điểm nóng để ghi lại những hình ảnh thời sự, chân thực và khốc liệt của đại dịch mà nhân dân ta, đất nước ta đang đối mặt. Ở đây theo tôi là sự dũng cảm, dám hy sinh sức khỏe, tính mạng của mình trước những thách thức, khó khăn và cao hơn là trách nhiệm của người nghệ sĩ, phóng viên với đất nước. Những hình ảnh, bộ phim đó đã có tác động tốt đến xã hội, họ nên được ghi nhận xứng đáng”.
Chạm đến cảm xúc của khán giả
“Ranh giới” đã "tạo sóng" trong khán giả, cho thấy phim tài liệu vẫn có sức hấp dẫn với công chúng nếu đề cập đúng vấn đề mà họ quan tâm và có kênh phổ biến phù hợp. Tuy nhiên, không phải nhà làm phim nào cũng may mắn tìm được đầu ra hiệu quả cho sản phẩm của mình.
Bắt đầu triển khai từ năm 2015, chương trình “VTV Đặc biệt” đang là kênh sóng “thương hiệu mạnh” của phim tài liệu trên sóng VTV. Việc được sắp xếp vào khung giờ "vàng" trên VTV1 và các kênh khác của Đài Truyền hình Việt Nam với tần suất mỗi tháng một số đã tạo điều kiện cho nhiều bộ phim tài liệu trong chương trình này đến với đông đảo khán giả. Có nhiều bộ phim gây được ấn tượng đặc biệt như “Hành trình của sự sống và cái chết”, “Chiến tranh Việt Nam - Những cuộc đàm phán bí mật”, “Hai đứa trẻ”, “Đoạn trường vinh hoa”... Tuy nhiên, đây dường như mới là sân chơi riêng của các nhà làm phim thuộc VTV.
Trong khi đó, cộng đồng làm phim tài liệu Việt Nam đang có sự phát triển nhanh chóng. Ngoài các đơn vị của nhà nước như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, các đơn vị làm phim tài liệu thuộc các đài truyền hình..., hiện còn có cộng đồng các nhà làm phim tài liệu độc lập khá đông đảo. Và, đa số các nhà làm phim tài liệu độc lập đều gặp khó khăn nhất định trong việc tìm đầu ra cho tác phẩm. Việc ra rạp của một số tác phẩm như “Sơn Tùng M-TP: Sky Tour Movie” năm 2020 hay trước đó là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”, “Đi tìm Phong”, “Bức Tường - Chuyện ngày hôm qua”... mới chỉ là những ví dụ "hiếm gặp".
Là một nhà làm phim độc lập, đạo diễn Trần Phương Thảo từng chia sẻ về những khó khăn trong hành trình làm phim tài liệu. Cái khó với nhà làm phim không phải ở đề tài, ở sự dấn thân, mà khó nhất là ở việc tìm kinh phí, đầu ra cho tác phẩm. Hầu hết các nhà làm phim tài liệu độc lập hiện nay đều phải “lấy ngắn nuôi dài”, làm những công việc khác ngoài làm phim để nuôi dưỡng đam mê. Đó không chỉ là thiệt thòi cho nhà làm phim, mà còn là thiệt thòi cho chính khán giả khi họ không được tiếp cận những sản phẩm được đầu tư công phu nhất.
Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng khi phim tài liệu đã chạm được đến cảm xúc của khán giả thì "cánh cửa" sẽ dần được mở ra, bởi khán giả chính là người quyết định cuối cùng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.