(HNMCT) - Nhiều người biết rằng Los Angeles, Tokyo và Paris là những trung tâm hoạt hình lâu đời nhất. Tuy nhiên, ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD đang ngày càng trở nên quốc tế hóa với các thành phố mới nổi lên như những cường quốc sản xuất, và một trong số đó là Cyberjaya của Malaysia.
Trung tâm hoạt hình mới
Theo báo cáo Nghiên cứu và Thị trường năm 2020, tổng giá trị của ngành hoạt hình, VFX & trò chơi điện tử toàn cầu đạt 264 tỷ USD vào năm 2019. Los Angeles, Tokyo và Paris luôn nằm trong số những trung tâm hoạt hình lâu đời nhất, nhưng công nghệ hoạt hình ở Đông Nam Á đã sẵn sàng để cạnh tranh với những gã khổng lồ. Khu vực này hiện có nhiều trung tâm sản xuất mạnh, chẳng hạn như Cyberjaya (Malaysia) - một phần của Siêu hành lang đa phương tiện (MSC) của đất nước này.
Ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia vẫn còn ở giai đoạn sơ khai so với những quốc gia sản xuất phim hoạt hình lớn nhất như Hoa Kỳ và Nhật Bản, nơi có các hãng phim hoạt hình nổi tiếng như Pixar, Walt Disney, Dreamworks và Toei Animation. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của ngành hoạt hình Malaysia đang khiến người ta phải ngạc nhiên.
Theo Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia (MDEC), ngành hoạt hình ở Malaysia sử dụng hơn 3.000 lao động và có trị giá 187,7 triệu USD vào năm 2016. Hiện nước này có hơn 100 hãng phim đã sản xuất hơn 20 IP gốc (tài sản trí tuệ) và đưa tác phẩm của họ đến hơn 120 quốc gia, với giá trị xuất khẩu là 132 triệu RM (hơn 32,2 triệu USD). Việc sản xuất và xuất khẩu các IP gốc là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ngành hoạt hình Malaysia đang trưởng thành.
Từ lâu, châu Á đã là trung tâm dịch vụ của các hãng phim ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Ngành công nghiệp hoạt hình của châu Á trị giá 52 tỷ USD vào năm 2018, và có đến 90% trong số phim hoạt hình truyền hình Mỹ được sản xuất ở các quốc gia châu Á. Với những thống kê này, có thể chứng minh rằng ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia nói riêng và châu Á nói chung đang phát triển và bắt đầu thâm nhập thị trường toàn cầu, cạnh tranh với các hãng phim hoạt hình quốc tế.
Giải mã thành công
Năm 1983, bộ phim hoạt hình ngắn “Hikayat Sang Kancil” - được coi là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Malaysia - đã ra mắt khán giả và được đón nhận nồng nhiệt, tạo tiền đề cho sự xuất hiện của nhiều phim hoạt hình ngắn hơn sau đó như “Sang Kancil & Monyet”, “Sang Kancil & Buaya”, “Arnab yang Sombong”, “Gagak yang Bijak” và “Singa yang Haloba”.
Sau này, chính phủ Malaysia nỗ lực sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực công nghiệp và điều này đã tạo điều kiện cho phim hoạt hình phát triển. Sự xuất hiện của dịch vụ truyền thông cung cấp nội dung trực tiếp đến người dùng thông qua Internet OTT (over the top) giúp ngành hoạt hình ở Malaysia có thể tham gia thị trường toàn cầu một cách thuận lợi hơn. Chẳng hạn, bộ phim “Boboiboy” của Animonsta đã được phát độc quyền trên Netflix cũng như hai phần của loạt phim “Ejen Ali”, điều đó đã làm tăng mức độ phổ biến của ngành công nghiệp hoạt hình Malaysia.
Chính phủ Malaysia dành nhiều nguồn lực khuyến khích phát triển hoạt hình nội dung địa phương nhằm hạn chế sự xâm lấn của phim hoạt hình nước ngoài vốn chứa đựng những yếu tố không phù hợp với nếp sống văn hóa Malaysia.
Ra mắt vào năm 1996, Tập đoàn Kinh tế kỹ thuật số Malaysia - cơ quan của chính phủ Malaysia, đã thiết lập quan hệ đối tác với nhiều công ty trong nước để hỗ trợ họ cung cấp dịch vụ và nội dung ra quốc tế, đồng thời xây dựng các đài truyền hình trong nước. Một trong những công ty có được thành công nhờ MDEC là Sead Studios. Tài sản trí tuệ (IP) ban đầu của họ, “The Amazing Awang Khenit” là một bộ phim hài hoạt hình siêu nhiên dựa trên phong tục của Malaysia và được sản xuất bằng Toon Boom Harmony. Phim hoạt hình có phong cách thiết kế nhân vật độc đáo và Harmony cung cấp các tính năng phù hợp với tốc độ nhanh hơn, công cụ tạo hình sáng tạo và hiệu ứng máy ảnh độc đáo. Nhờ làm việc với phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp này mà Sead Studio đã đạt được thành công lớn.
Năm 2007, bộ phim hoạt hình truyền hình “Upin & Ipin” do Les Copaques Production sản xuất đã trở thành hiện tượng tại Malaysia và khu vực. Thành công của loạt phim truyền hình này đã dẫn đến sự ra đời bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Les Copaque Production vào năm 2009, “Upin & Ipin, Geng: Penggembaraan Bermula”. Đây là bộ phim hoạt hình Malaysia thành công nhất vào thời điểm đó với doanh thu phòng vé là 6,2 triệu RM.
Tiếp nối thành công của “Upin & Ipin”, năm 2011, một loạt phim hoạt hình 3D khác được phát sóng trên đài truyền hình địa phương. Nổi bật trong số đó có “Boboiboy” của Animonsta Production. Bản điện ảnh của bộ phim này là “BoboiBoy Movie 2” được phát hành đồng thời tại 4 quốc gia, bao gồm Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore vào năm 2019. “BoboiBoy Movie 2” hiện là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từng được ghi nhận tại Malaysia với doanh thu phòng vé là 29,6 triệu RM (7,3 triệu USD).
Ngành công nghiệp hoạt hình ở Malaysia đã tăng tốc và đang đạt được thành công cả trong khu vực và quốc tế. Việc tạo ra sở hữu trí tuệ của riêng họ giúp mọi người tự tin chọn hoạt hình làm nghề nghiệp, mở rộng nguồn tài năng và củng cố nền tảng kinh tế của công nghệ hoạt hình ở Đông Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.