Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi là chiến sĩ Điện Biên

Dương Chi| 08/05/2019 07:11

(HNM) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 65 năm. Những con người làm nên trang sử hào hùng ấy, giờ đã bước vào tuổi

Các cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ trong một buổi gặp mặt, ôn lại ký ức hào hùng.


Những năm tháng không quên

Ở tuổi 85, dù đi lại không còn nhanh nhẹn, nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Ðại tá Ðặng Ðức Song vẫn có trí nhớ mẫn tiệp. Câu chuyện ông kể đưa tôi trở về 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của những chiến sĩ Điện Biên anh dũng, kiên cường. “Những ngày này 65 năm trước, đơn vị của chúng tôi, Trung đoàn 98 - Đại đoàn 316 đối đầu với quân Pháp ở Đông Mường Thanh. Hơn một tháng trời, ta và địch cùng kìm chân nhau, giành giật từng tấc đất, sự sống cái chết chỉ trong gang tấc. Ấy vậy mà các chiến sĩ không hề nao núng” - Đại tá Đặng Đức Song kể.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với người Anh hùng Điện Biên là trận đánh lấy lại lô cốt trên đồi Cl mà ông là Tiểu đội trưởng, trực tiếp đảm nhiệm mũi giáp công. “Ta và địch đánh nhau rất ác liệt. Vào đợt 3 của chiến dịch, ngày 1-5-1954, Trung đoàn 98 chúng tôi đã đánh và lấy lại toàn bộ đồi C1, sau đó phối hợp tiến đánh đồi C2. Ngày 6-5-1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn phía Đông Mường Thanh (đồi Al, C2, Cl). Khoảng 15h30 ngày 7-5-1954, chúng tôi thấy cờ trắng, dù trắng xuất hiện ở trung tâm Mường Thanh. Đến 17h cùng ngày thì Tướng De Castries cùng toàn thể Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đầu hàng” - ông Song thuật lại.

“Ông Song cũng từng là bệnh nhân của tôi!” - Thiếu tá quân y Trần Thị Bích Thọ cười rất tươi khi kể về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sinh năm 1930, ngày đó bà Thọ là y tá thuộc Ban Quân y Mặt trận Điện Biên. Bà kể: “Tháng 2-1954, tôi được điều về Trạm quân y dã chiến cách đèo Pha Đin khoảng 80km. Đây là trạm trung chuyển thương binh nặng từ tuyến trên về. Trạm có 12 nữ y tá, thường xuyên túc trực, phục vụ, chăm sóc rất nhiều thương binh nặng”. Cũng tại chiến trường ác liệt này, y tá Thọ đã tìm được "một nửa của mình" là anh thương binh nặng mà bà tận tình chăm sóc. Đám cưới của ông bà được tổ chức ngay tại chiến trường.

Trong câu chuyện với cựu thanh niên xung phong Nguyễn Tiến Thụ, nguyên Đội trưởng Đội phá bom ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La), ký ức của những ngày tháng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm trí. Từng 3 lần vượt qua cái chết cận kề, ông Thụ nhớ lại: “Ngã ba Cò Nòi khi ấy nhỏ hẹp và bị địch đánh bom ác liệt. Ngoài việc bám trụ quan sát, thanh niên xung phong phải đánh dấu nơi bom rơi để rà phá, bảo đảm thông đường. Trước tình thế bom quá nhiều, Đội phá bom ngã ba Cò Nòi đã đào hố sâu, rồi dùng sào, dây, kéo khoảng 50 quả bom tập trung vào một hố, rồi kích nổ cùng lúc. Tuy nguy hiểm cho Đội phá bom, nhưng tuyến đường thông nhanh để dân công, bộ đội sớm ra mặt trận".

Năm nay bước sang tuổi 92, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Tụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vẫn khỏe mạnh. Ông kể rành mạch về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với cương vị ban đầu là chiến sĩ, sau đó là Trưởng Tiểu ban Y chính, Phòng Quân y Đại đoàn 316, Thiếu tướng Nguyễn Tụ đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của chiến trường, cấp cứu, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mãi là Bộ đội Cụ Hồ

Rất nhiều những người lính sau kháng chiến chống thực dân Pháp lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nay dù tuổi cao, trở về sum vầy với gia đình nhưng vẫn gương mẫu trong cuộc sống, viết tiếp những trang sử vàng truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết, sau khi đất nước thống nhất, ông về công tác tại Trường Sĩ quan Quân y (nay là Học viện Quân y). Sau đó giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện và có công lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành Quân y Việt Nam. Đặc biệt, năm 2018, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thiếu tướng Nguyễn Tụ chia sẻ: “Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ về với đời thường, tuổi đã cao, sức đã yếu và theo quy luật rồi cũng sẽ về với tổ tiên, song còn sống ngày nào sẽ sống vui, sống khỏe, sống có ích, động viên, nêu gương cho con, cháu; phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, đoàn kết xây dựng địa phương, xứng đáng là công dân của Thủ đô”.

Hai năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ anh dũng, quả cảm Đặng Đức Song được Nhà nước tuyên dương và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 65 năm đã qua, dù trong quân ngũ hay tham gia công tác và sinh sống ở địa phương, Anh hùng Đặng Đức Song vẫn trọn một niềm tin vào Đảng, Bác Hồ. Niềm tin đó trở thành bản lĩnh, ý chí, động lực để ông vượt mọi khó khăn trong cuộc sống. Sau khi nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Láng Thượng, quận Đống Đa... Dù ở cương vị nào ông vẫn luôn phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nỗ lực và trách nhiệm hoàn thành công việc được giao.

... Những người chiến sĩ Điện Biên trai trẻ năm xưa đều đã vào cái tuổi xưa nay hiếm. Song ký ức hào hùng về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 65 năm trước vẫn không phai mờ trong tâm trí. Và những người cụ, người ông, người bà ấy mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi là chiến sĩ Điện Biên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.