Cả Facebook và YouTube đều đang tìm cách loại bỏ nút “like” - tính năng đo độ yêu thích dành cho một bức ảnh, video hay bài đăng trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo tờ Business Insider, Facebook đang thử nghiệm ẩn lượt đếm like vốn xuất hiện dưới ảnh và bài đăng của người dùng trên mạng xã hội.
Thử nghiệm của Facebook đã bị kỹ sư Jane Manchun Wong phát hiện ra mới đây khi nghiên cứu mã của Facebook.
Nếu được áp dụng, các bài đăng trên Facebook sẽ không còn hiển thị số lượt like hoặc phản ứng của mọi người. Người dùng tạo bài đăng có thể nhìn danh sách người và phản ứng của họ, nhưng con số sẽ không được hiển thị.
Một người phát ngôn của Facebook xác nhận, công ty đang cân nhắc thử nghiệm loại bỏ đếm lượt like nhưng thử nghiệm này chưa được triển khai với ai.
Facebook không nói rõ động cơ đằng sau cuộc thử nghiệm này nhưng đã bắt đầu thử nghiệm tương tự với Instagram.
Trong trường hợp Instagram, giải thích của Facebook là công khai số lượt like có thể gây ra tình trạng người này có lợi thế hơn người khác trên mạng xã hội và khiến người dùng cảm thấy không thoải mái.
Thay đổi này diễn ra sau một cuộc đối thoại mở rộng trong ngành công nghệ về những gì mạng xã hội và ứng dụng gây ra với cảm xúc người dùng.
Nhiều cựu nhân viên chủ chốt của Facebook và Google đều cho biết, họ hối tiếc vì đã tạo ra sản phẩm đó. Leah Pearlman, người phụ nữ đã giúp thiết kế nút like của Facebook, từng nói năm 2017 rằng, việc Facebook liên tục hiện thông báo khiến cô cảm thấy thật tồi tệ. Cô cho biết, nó ám ảnh mình khá thường xuyên.
Tristan Harris, cựu nhà thiết kế tại Google, đã khởi động một phong trào toàn diện về chứng nghiện kỹ thuật số trong phong trào Time Well Spent (Dùng thời gian có ích).
Tuy nhiên, nhiều người muốn các mạng xã hội thử nghiệm thay đổi thiết kế một cách minh bạch hơn. Andrew Przybylski, một nhà tâm lý học thực nghiệm tại Viện Internet Oxford, cho biết, dù ý tưởng ẩn nút like thú vị nhưng nếu có động cơ liên quan sức khỏe tâm thần, thì cuộc thử nghiệm không nên được thực hiện bí mật.
Ông Przybylski nói: “Đó là một ý tưởng rất thú vị nhưng đó là kiểu ý tưởng rơi vào vùng xám giữa 'sản phẩm' và 'can thiệp về sức khỏe'. Không nên thực hiện những loại nghiên cứu này bí mật vì sức ảnh hưởng tới sự lành mạnh của xã hội và cá nhân là rất lớn”.
Ông cho biết thêm rằng, điều này không có nghĩa là chỉ công bố kết quả. Ông nói: “Tôi muốn biết về kế hoạch trước, gồm cả phương pháp luận, mục tiêu và các tiêu chí thành công. Nếu một công ty dược lớn cho biết họ sẽ thay đổi nhãn mác hoặc thành phần một loại thuốc giảm đau nhưng không thử nghiệm lâm sàng minh bạch, công chúng sẽ hoài nghi mọi tuyên bố. Chúng ta rất dễ quên rằng ngay cả thay đổi nhỏ với một nền tảng được sử dụng rộng rãi cũng có ảnh hưởng lớn. Xét rủi ro đó, các công ty như Facebook, Google và công ty trò chơi cần được theo dõi độc lập với những kiểu can thiệp này”.
YouTube cũng đang tính cách giảm bớt một trong những thước đo độ phổ biến trong tháng này.
Công ty thông báo hồi tháng 5 rằng sẽ triển khai lượt đếm rút gọn của người đăng ký công khai. Điều này có nghĩa là các kênh có số người đăng ký lớn sẽ không hiển thị chính xác con số.
Lý luận của YouTube là để giảm cạnh tranh giữa người dùng, đặc biệt là những người sáng tạo nội dung.
Người sáng tạo nội dung nổi tiếng nhất là PewDiePie mới đây đã vướng vào cuộc chiến về số người đăng ký kéo dài hàng tháng qua với kênh Ấn Độ T-Series. Hai bên đang bám đuổi sát nút về số người đăng ký. PewDiePie cầm cự được là nhờ sự ủng hộ của một chiến dịch do người hâm mộ thực hiện. Nhưng kênh Ấn Độ cuối cùng đã thắng và trở thành kênh lớn nhất YouTube với 111 triệu người đăng ký.
Trong cuộc cạnh tranh, nhiều trang và kênh YouTube đã có bộ theo dõi riêng về số người đăng ký nhưng có thể sẽ không thực hiện được nữa nếu YouTube thay đổi.
YouTube cho biết: “Ngoài việc tạo ra tính nhất quán hơn, thay đổi này còn giải quyết lo ngại của người tạo nội dung về việc bị căng thẳng, đặc biệt là về vấn đề đếm số người đăng ký công khai theo thời gian thực. Chúng tôi hy vọng thay đổi giúp mọi người tạo nội dung tập trung vào câu chuyện của mình và ít áp lực hơn với những con số”.
Ngoài lý do quan tâm tới cảm xúc người dùng, các mạng xã hội muốn bỏ đếm lượt like còn vì lý do khác. Có người cho rằng các mạng xã hội muốn che giấu sự thật là độ hấp dẫn không còn nhiều như trước. Số lượt like giảm có nghĩa là người dùng cũng giảm.
Theo thống kê từ công ty Edison Research and Triton Digital, số lượng người dùng của Facebook bắt đầu sụt giảm năm 2018. Trong đó, số người dùng dưới 25 tuổi giảm một cách đáng kể. Chỉ tính riêng trong năm 2017 tại thị trường Mỹ, Facebook đã mất 2,8 triệu người dùng dưới 25 tuổi. Facebook cũng bắt đầu mất dần uy tín đối với người dùng châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.