Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh: Nên chọn lối nào?

Thi Thi| 16/06/2013 07:25

(HNM) - Đây là vấn đề mà Báo Hànộimới đã đề cập cách đây nhiều năm, bắt đầu từ mong mỏi chính đáng của NSND Đặng Nhật Minh về việc cần có một bộ sưu tập đĩa phim của chính ông.


Nay, Viện phim Việt Nam đã giúp ông thỏa nguyện nhưng với nỗi mong mỏi mang tầm vóc quốc gia về việc gìn giữ, phát huy giá trị kho di sản của nền nghệ thuật thứ 7 mang tên Việt Nam thì câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Cuộc tọa đàm diễn ra đầu tháng 6 vừa qua tại Viện phim Việt Nam cho thấy, ngành lưu trữ tư liệu điện ảnh đang đứng trước những lựa chọn không dễ dàng…

“Bóng ma học đường” - phim kỹ thuật số 3D đầu tiên của Việt Nam.



Kỹ thuật số - Có tối ưu?

Việc tận dụng kỹ thuật số giờ đây không còn là xu thế nữa, mà là sự thật hiển hiện trong các khâu của điện ảnh. Tỷ lệ phim kỹ thuật số hiện đã chiếm khoảng 80-90% tổng số phim phát hành ở ta. Mới đây, có đơn vị đã thông báo không đưa ra rạp bản phim nhựa truyền thống trong năm 2013 này.

Giới điện ảnh đặt vấn đề rằng lưu trữ bằng công nghệ số thì sẽ gọn nhẹ, tiện lợi, dễ sắp xếp, dễ khai thác hơn nhiều. Tất nhiên, chi phí đắt chứ không rẻ. Một đại biểu nêu trong buổi tọa đàm về chủ đề này: Các nhà điện ảnh Mỹ đã phải chi 12.514 USD/năm để lưu một tác phẩm điện ảnh kỹ thuật số, trong khi lưu bản phim nhựa thông thường chỉ tốn 1.059 USD. Đó là chưa kể, để khai thác công nghệ kỹ thuật số, phải đầu tư máy móc, khiêm tốn thì hàng trăm triệu, sang hơn có khi tốn tiền tỷ. Mà ổ cứng kỹ thuật số không "còn mãi với thời gian", chỉ được vài năm… Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh đã từng trao đổi với Báo Hànộimới về Viện Lưu trữ phim Fukuoka, một trong ba viện lưu trữ phim lớn nhất của Nhật Bản. Ở đó, một bộ phim nhựa được lưu kho trong điều kiện bảo quản tốt có tuổi thọ hàng trăm năm là bình thường.

Rẻ hơn mà lưu giữ được lâu hơn, rõ ràng là phương án lưu phim nhựa rất đáng để cân nhắc. NSND Đặng Nhật Minh, vị đạo diễn nổi tiếng về phim và cũng nổi tiếng kỹ tính, phản biện: Số hóa là xu thế chung trong lưu trữ hình ảnh động trên phạm vi quốc tế nhưng lưu trữ dữ liệu bằng số hóa lâu dài sẽ vấp phải không ít khó khăn bởi định dạng dữ liệu số thay đổi rất nhanh, sẽ mau chóng trở nên lỗi thời, rất khó tìm công cụ để đọc. Ông lưu ý, dù trong tương lai phim nhựa 35mm có thể không tồn tại nữa nhưng việc bảo quản bản phim nhựa vẫn cần tiếp tục được quan tâm. Nguyên Viện trưởng Viện phim Việt Nam TS Hoàng Như Yến cũng cho hay, chuẩn số để lưu trữ tư liệu hình ảnh động lâu dài vẫn là một thách thức với các viện lưu trữ phim, các nhà nghiên cứu công nghệ lưu trữ và bảo quản. Theo TS Hoàng Như Yến, ta nên lựa chọn phim nhựa để lưu trữ lâu dài cho đến khi xuất hiện chuẩn mới tốt hơn.

Người viết đồng tình với quan điểm này của NSND Đặng Nhật Minh cũng như TS Hoàng Yến. Vừa lưu giữ những bản phim nhựa chuẩn (vì có giá trị đặc biệt về hình ảnh), vừa kết hợp lưu giữ, khai thác bằng công nghệ số có thể là giải pháp phù hợp, mang lại lợi ích nhiều hơn là thay thế hoàn toàn bằng kỹ thuật số.

Để phim "đẻ" ra tiền…

Những năm gần đây, Viện phim Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực trong việc khai thác nguồn tư liệu điện ảnh quý giá nhưng chưa thấm vào đâu so với tiềm năng vốn có. Khai thác phim không chỉ để phục vụ giáo dục, học tập, giải trí mà còn có thể tạo nguồn thu lớn, đủ khả năng tái đầu tư cho ngành điện ảnh và đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, sự hạn chế trong vấn đề lưu trữ đã khiến chúng ta không thể khai thác đầy đủ giá trị tài nguyên. Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, công ty đã tích cực bán có thời hạn các bản phim cho truyền thông nhưng kinh phí thu được không đáng kể, chủ yếu vì chất lượng kỹ thuật của các bản phim đều kém. Hơn nữa, cũng vì lưu trữ không đầy đủ nên có muốn khai thác thêm, như làm bảo tàng phục trang, làm đồ lưu niệm… như nhiều hãng phim trên thế giới đã thực hiện cũng không thể làm nổi. Điều này đúng với nhận định của một nhà làm điện ảnh khác khi ông nói về phim kinh điển của điện ảnh Việt đang được chiếu trên truyền hình: Việc làm ấy rất đáng trân trọng, nhưng hiệu quả hạn chế do chất lượng hình ảnh, âm thanh của phim kém.

Một vướng mắc khác, ảnh hưởng đến việc khai thác nằm ở khía cạnh luật. Luật Điện ảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2007, trao cho ngành lưu trữ tư liệu điện ảnh rất nhiều quyền như "Tổ chức khai thác phim lưu trữ, cung cấp lại bản sao, in trích tư liệu cho cơ sở sản xuất phim theo quy định của pháp luật"; "Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân nước ngoài trong hoạt động bảo quản, lưu trữ, phục hồi, khai thác phim"… Thế nhưng, có quyền mà lại không biết thực thi thế nào, bởi theo bà Nguyễn Thị Lan, Viện trưởng Viện phim Việt Nam, ta chưa quy định cụ thể chủ sở hữu các tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đầu tư sản xuất là ai, cơ quan nào là người đại diện thu các khoản này, mức chi phí cũng như cách tính phí các dịch vụ này ra sao?...

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lai (Nhà văn hóa Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm thú vị về khai thác phim tư liệu, cho rằng "phải chủ động tìm đến khán giả", "khai thác phim phải sinh động, hấp dẫn, lồng ghép với các loại hình nghệ thuật khác"; đưa phim tư liệu về các câu lạc bộ ở nông thôn, tới các bảo tàng, di tích lịch sử để chiếu cho khách tham quan, dành hẳn một rạp chiếu phim tư liệu ngay tại trung tâm thành phố… Đó là những sáng kiến cụ thể mà chỉ có bắt tay vào thực hiện thì mới vỡ ra giải pháp khả thi cho việc khai thác giá trị nguồn tài nguyên điện ảnh.

Nhưng trước khi nghĩ đến chuyện khai thác, hẳn ta không thể quay lưng hay lừng khừng trước câu hỏi về giải pháp lưu trữ hiện nay. Ra sao và nên thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu trữ và khai thác tư liệu điện ảnh: Nên chọn lối nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.