“Tiền một đồng đòi ăn hồng không hạt” - Trưởng thôn Tây Phương, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) Nguyễn Thị Dung dùng câu nói ví von của các cụ xưa ở làng để nói về độ ngon khó tả của hồng Yên Thôn - một giống cây ăn quả bản địa quê mình.
Đó là thứ quả của tiết thu, cứ vào dịp tháng Mười (âm lịch), những trái hồng đỏ mọng như cà chua, vỏ mỏng như giấy và gần như không có hạt… lại trở thành sản vật nơi đây. Xưa, hồng Yên Thôn còn là lễ vật không thể thiếu trong các đám hỏi vợ ở làng...
Đặc sản nức tiếng đang mai một
Hà Nội những ngày này sang tiết thu, trời dịu mát. Chúng tôi về xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất), theo chân bà Nguyễn Thị Dung qua những bậc đá ong dẫn lối lên chùa Tây Phương cổ kính. Trên đường lên chùa, rẽ ngang sang những con đường nhỏ là lối vào các hộ gia đình đã sinh sống rất lâu đời trên sườn núi Câu Lâu. Những ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc và bên sân nhà sẽ không khó để được chiêm ngưỡng những cây hồng Yên Thôn ít ỏi còn lại.
Vừa đi đường, bà Dung vừa giải thích câu tục ngữ: “Tiền một đồng đòi ăn hồng không hạt”. Ý chỉ những người hay đòi hỏi thái quá. Và câu tục ngữ cũng gián tiếp khẳng định, hồng không hạt là quả hồng rất ngon và giá trị - nó tương xứng với trái hồng Yên Thôn ở làng.
Cũng theo Trưởng thôn Tây Phương Nguyễn Thị Dung, hồng Yên Thôn chín vào độ tháng Mười âm lịch hằng năm. Đây cũng chính là mùa cưới. Quả hồng khi chín đỏ ửng rất đẹp, lại cộng với độ thơm ngon, nên là một trong những lễ vật được người dân vùng Thạch Xá xưa chọn để làm lễ đi “hỏi vợ”. Khi đó, quả hồng được sắp thành một mâm lễ vô cùng đẹp mắt và ý nghĩa.
Nhà bà Nguyễn Thị Phúc nằm trên sườn núi Câu Lâu, nơi có chùa Tây Phương - Di tích quốc gia đặc biệt. Nhà bà Phúc có 2 cây hồng Yên Thôn trĩu quả. Bà Phúc đon đả cho biết: “Hai cây hồng này nhà tôi trồng từ năm 1971, nay đã 52 năm. Quả hồng Yên Thôn thơm ngon và hình thức đẹp. Cây ra hoa, đậu quả từ khoảng tháng Tư âm lịch, quả chín vào tháng Mười âm lịch. Thường thì tôi không để quả chín đỏ trên cây. Hễ thấy quả hoe vàng là hái xuống, xếp ra thùng xốp, giấm bằng một thẻ hương hoặc đơn giản chỉ phủ khăn vải lên, vài ngày là quả chín đỏ”.
Cũng theo bà Phúc, hồng Yên Thôn rất chậm lớn, cây trồng dù đến 50 hay 60 năm, nhưng thân cây vẫn chỉ bằng bắp đùi. Sản lượng và chất lượng quả ổn định. Những năm được mùa, mỗi cây hồng nhà bà Phúc có thể được tới 60-70kg quả. “Được bao nhiêu quả, các con cháu trong nhà chia nhau thưởng thức, nên cũng không có sản phẩm để bán ra ngoài. Ở xã Thạch Xá, nhà nào có nhiều hồng, khi thu hái xong chỉ mang ra ngõ một loáng là bán hết ngay”, bà Phúc chia sẻ.
Cùng ngõ với nhà bà Phúc, vườn nhà bà Khương Thị Hoàn cũng có một cây hồng Yên Thôn. Bà Hoàn năm nay đã gần 90 tuổi và cây hồng đó cũng có tuổi không kém (gần 70 năm). Theo bà Hoàn, năm 1958, anh bà đi đào giếng ở trạm xá (bây giờ là Trường Mầm non Thạch Xá) có lấy được một đoạn rễ cây hồng, rồi mang về vùi xuống đất và mọc thành cây hồng như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Chiêm, chồng bà Hoàn tiếp lời: "Giống hồng này không cần phải chăm bón gì, nhưng vẫn cho quả ổn định. Năm ngoái cây hồng nhà tôi có tới 500 quả và quả to, chỉ 5-6 quả là được một cân. Năm nay quả ít hơn năm ngoái chút".
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, những người dân ở Thạch Xá cho biết, hồng Yên Thôn được nhân giống bằng rễ. Tức là, chỉ cần lấy một đoạn rễ cây, giâm xuống đất ẩm vào mùa xuân là có thể nảy mầm, thành một cây con. “Mùa xuân, những đoạn rễ cây nổi sát mặt đất nảy mầm. Tôi chặt đoạn rễ ấy về ươm là sẽ mọc thành cây. Vài năm trước, có người họ hàng ở xã Tân Xã ra xin giống hồng nhà tôi về trồng. Đến nay, cây đã ra quả rồi”, ông Nguyễn Văn Chiêm cho hay.
Hồng Yên Thôn, xã Thạch Xá được nhiều người dân ở các xã lân cận xin giống về trồng. Tuy vậy, theo người dân địa phương, giống hồng này ngon nhất là trồng đất đồi, còn trồng các loại đất khác, quả không ngon bằng.
Tuy là cây đặc sản, nhưng cây hồng Yên Thôn đang ngày một ít đi. Những cây hồng Yên Thôn cổ, tuổi đời từ 30 năm trở lên ở thôn giờ không còn nhiều. Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng thôn Tây Phương nhẩm tính, cả thôn có 256 hộ dân nhưng số hộ trồng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay… Tính sơ qua, cả xã Thạch Xá giờ đây chỉ còn khoảng 100 cây hồng Yên Thôn.
Bảo tồn và phát triển
Thấy tôi thắc mắc, tại sao giống cây ăn quả ngon như vậy, nhưng số lượng lại ngày một ít đi, bà Dung chia sẻ, đó là bởi diện tích vườn của các hộ không nhiều. Ở nông thôn, song mỗi hộ gia đình ở Tây Phương hiện cũng chỉ có vài trăm mét vuông đất, nên chỉ trồng được 1-2 cây. Những năm trước, không ít gia đình đã chặt cây hồng bản địa để trồng các cây ăn quả mới, như: Xoài, nhãn, bưởi... Cũng có người đến tận các gia đình, gạ mua cả cây để đánh về bán lại cho các “đại gia” chơi cây… dẫn đến số cây hồng ở đây ngày một ít đi. “Nhà tôi cũng có nhiều người đến gạ bán cây hồng này, nhưng tôi nhất quyết không bán. Tôi vẫn muốn giữ lại cây này để lấy quả cho con cháu ăn”, bà Nguyễn Thị Phúc tâm sự.
Còn đối với ông Nguyễn Văn Chiêm, dù chia sẻ giống cho một số hộ dân trong vùng, nhưng cũng không có nhu cầu trồng thêm cây mới. “Nhà tôi đất chật, chỉ trồng một cây để lấy quả ăn thôi. Hai vợ chồng tuổi đều đã “gần đất xa trời”, nên việc nhân giống, trồng thêm cây mới phụ thuộc vào thế hệ trẻ sau này. Nếu các các con cháu thích, thấy hiệu quả kinh tế sẽ nhân ra thêm”, ông Chiêm nói.
Hồng Yên Thôn không chỉ là giống cây trồng bản địa, mà còn là giống cây ăn quả đặc sản của Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng, có giá trị kinh tế cao cần được bảo tồn lâu dài và đầu tư khai thác một cách hiệu quả, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân.
Theo ông Khương Xuân Huệ, cán bộ văn hóa - xã hội xã Thạch Xá, quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp là khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển giống cây đặc sản này. Hiện tại, xã chỉ có duy nhất thôn Tây Phương là còn nhiều diện tích đất vườn để trồng cây ăn quả. Các thôn còn lại, làng nghề phát triển, nhà san sát nhau, nên ít hộ gia đình có không gian để trồng cây.
Diện tích trồng cây hồng Yên Thôn ngày càng bị thu hẹp, thậm chí có nguy cơ biến mất. Trước thực tế đó, từ năm 2015, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã có "Đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen hồng Yên Thôn của huyện Thạch Thất". Đề tài nhằm bảo tồn lâu dài nguồn gen bản địa quý hiếm hồng Yên Thôn, tiến tới khai thác, phát triển chúng một cách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế. Việc sưu tập, đánh giá, tuyển chọn những cây ưu tú cho bảo tồn lâu dài và phục vụ cho công tác nhân giống, phát triển sản xuất.
Năm 2020, Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cũng thực hiện "Đề tài nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác để bảo tồn và phát triển giống hồng Yên Thôn tại Hà Nội". Đề tài tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nhân giống; quy trình trồng và chăm sóc; quy trình thu hoạch, khử chát và bảo quản chế biến quả hồng; đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham gia dự án…
Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có những động thái bảo tồn và phát triển, mở rộng diện tích giống hồng Yên Thôn. Khoảng đầu năm 2020, xã Thạch Xá đã được tiếp nhận cây giống từ UBND huyện cho các gia đình đăng ký.
“Thôn Tây Phương được hỗ trợ 100 cây giống để chia cho các gia đình có nhu cầu. Nhà tôi cũng được hỗ trợ cây giống và kỹ thuật, nay cây trồng đã bước sang năm thứ 3, bắt đầu ra quả. Do cây còn nhỏ, nên tôi đã vặt bớt quả để không làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển”, bà Nguyễn Thị Dung nói.
Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào nhận giống cũng đều trồng và chăm sóc được cây hồng Yên Thôn phát triển. Diện tích đất vườn trong các hộ dân thu hẹp và kỹ thuật trồng, chăm sóc chưa bảo đảm, khiến số cây hồng giống bị hỏng khá nhiều. Việc bảo tồn và phát triển giống cây ăn quả đặc sản này còn không ít gian nan, thách thức. Bà Nguyễn Thị Dung và nhiều hộ dân ở Thạch Xá mong muốn sẽ bảo tồn và phát triển được cây hồng trở lại gắn với du lịch chùa Tây Phương.
Những cây hồng chín đỏ mỗi độ thu về, không chỉ tôn thêm nét đẹp cảnh sắc thiên nhiên nơi đất Phật, mà còn là thứ quà đặc sản để du khách tham quan chùa có cơ hội thưởng thức, làm quà về cho gia đình, người thân. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, cây hồng Yên Thôn được đánh thức, tạo thương hiệu và tạo thêm nguồn thu đáng kể cho các hộ dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.