Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương tâm và trách nhiệm

Bắc Vũ| 18/12/2019 06:38

(HNM) - Kết quả xét nghiệm y học đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán và tiên lượng chính xác bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả với người bệnh. Việc này sẽ không có gì đáng nói nếu mọi xét nghiệm được thực hiện theo đúng quy trình, quy định.

Lâu nay, người dân đến bệnh viện khám sức khỏe, đều thực hiện các xét nghiệm do bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, có một thực tế là có bác sĩ  đã dùng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để trục lợi, như chỉ định các xét nghiệm không cần thiết, thậm chí thực hiện xét nghiệm gian dối... Người bệnh không may gặp phải bác sĩ như vậy, vừa chịu thiệt hại về kinh tế, nghiêm trọng hơn lại vừa ảnh hưởng tới sức khỏe và cơ hội chữa khỏi bệnh. Từ thực trạng nêu trên, việc đáng bàn nhất chính là đạo đức người thầy thuốc.

Chắc chắn không có quy định nào và cũng không có bệnh viện nào cho phép y, bác sĩ được gian dối trong công tác xét nghiệm. Chỉ những người có dụng ý xấu, mới “đặt cược” sức khỏe người bệnh vào những xét nghiệm mà họ lợi dụng để ăn chặn, làm sai lệch kết quả.

Thực tế đã từng xảy ra những vụ việc “động trời” liên quan đến “nhân bản kết quả xét nghiệm”, mà gần đây nhất là vụ nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cắt đôi que thử HIV, viêm gan B, trước khi xét nghiệm cho bệnh nhân. 

Cùng với vấn đề con người, chất lượng xét nghiệm ở bệnh viện còn phụ thuộc vào trang thiết bị như máy xét nghiệm, hóa chất. Hiện nay không phải bệnh viện nào cũng đầu tư được hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bởi đã có những đơn vị mua “máy bãi” về tân trang lại để sử dụng… Rồi nhiều vấn đề khác đặt ra, như kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng máy xét nghiệm định kỳ, chất lượng hóa chất, hiệu quả của liên thông kết quả xét nghiệm…

Để bảo đảm chất lượng xét nghiệm y tế, những tồn tại, hạn chế kể trên cần được khắc phục triệt để, mà trước hết là yếu tố con người. Bởi, dù có trang thiết bị hiện đại hay trình độ chuyên môn giỏi đến mấy, mà người thầy thuốc không giữ trọn y đức, lương tâm hành nghề thì hậu quả rất khó lường. Vì vậy, mỗi y, bác sĩ cần học tập, trau dồi để trở thành một người hết lòng thương yêu, chăm sóc người bệnh, “coi họ đau đớn như mình đau đớn” mà không mang mục đích trục lợi, ý đồ riêng.

Đi đôi với đó là không ngừng hoàn thiện kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực công tác và đặc biệt, các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm phải thực hiện đúng quy định kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, bảo đảm tính chính xác, trung thực trước khi giao kết quả xét nghiệm đến tay bệnh nhân.

Các quy định, quy trình về xét nghiệm đã có, song sau vụ việc xảy ra tại Khoa Vi sinh y học, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đặt ra vấn đề phải tăng cường công tác quản lý, giám sát. Trước hết, ngành Y tế và mỗi bệnh viện phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu bệnh viện, cán bộ và lãnh đạo phòng xét nghiệm; trong đó chú trọng siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm.

Đặc biệt là phải thực hiện tốt Tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học của Bộ Y tế đã ban hành vào năm 2017 và các quy định liên quan tại cơ sở khám, chữa bệnh. Từ đó, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng xét nghiệm, làm cơ sở thực hiện tốt việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh.

Xét nghiệm y học là một trong những “đầu vào” quan trọng để việc khám, chữa bệnh hiệu quả, do đó, mỗi người công tác ở lĩnh vực này cần thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương tâm và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.