Mặc dù trên các trục chính của Hà Nội lưu lượng giao thông đều tăng cao, nhiều điểm đã xảy ra ùn tắc, tuy nhiên, lượng hành khách dồn về các bến xe chiều 10-2 (25 tháng Chạp) vẫn chưa nhiều.
Bến xe Giáp Bát sẽ có 1.120 chuyến xe phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết 2018. Ảnh: Tiến Hiếu - Huy Hùng |
Đại diện các bến xe cho biết, lượng khách trong ngày chỉ tăng từ 20 - 30% so với ngày thường và so với thời điểm này mọi năm thì lượng khách vắng hơn. Tình hình an ninh trật tự trong và ngoài bến cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Có mặt tại bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát, điều dễ thấy là lượng khách tại 2 bến này chỉ đông hơn ngày thường một chút. Đại diện bến xe Giáp Bát cho hay, trong ngày 10-2, ước tính lượng khách về bến tăng khoảng 20 - 30%, tương đương khoảng 30.000 lượt khách. Trong đó, hành khách chủ yếu đi tuyến đường dài (Nghệ An, Hà Tĩnh), còn lại các tuyến ngắn lượng khách chưa nhiều.
“Bến đã bố trí khoảng 100 lượt xe dự phòng và tăng cường kiểm soát các nhà xe bán vé theo đúng giá niêm yết. Đến thời điểm này đã có 30 doanh nghiệp nộp thông báo tăng giá vé với mức tăng từ 20 - 30%”, đại diện bến xe Nước Ngầm chia sẻ.
Theo Giám đốc bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành, ngày 10-2, lượng khách dồn về bến cũng chỉ hơn ngày thường khoảng 30%. So với mọi năm cùng thời điểm thì lượng khách năm nay vắng hơn. Hiện đã có 20 doanh nghiệp có thông báo tăng giá vé với mức tăng từ 15 - 20%.
Còn tại bến xe Lương Yên, ông Đinh Xuân Trường, Trưởng bến cho biết, do bến nằm ở vị trí xa trung tâm và dù đã cận kề Tết, nhưng lượng khách không tăng nhiều so với ngày thường. Bến tập trung chủ yếu các tuyến ngắn nên có thể một hai ngày nữa hành khách mới về đông. Hiện bến không có doanh nghiệp nào nộp thông báo tăng giá vé.
Về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô và xử lý các đơn vị vận tải nếu có vi phạm, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội về việc phối hợp với Thanh tra Giao thông xử lý vi phạm. Theo đó, lực lượng chức năng, đặc biệt là Thanh tra Giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà xe vi phạm đón, trả, nhồi nhét khách.
Ông Viện khẳng định: “Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp xe khách nhồi nhét, đón trả khách không đúng quy định, tự ý tăng giá vé, nếu vi phạm quá một lần thì sẽ cắt lốt tuyến xe khách cố định đó. Lực lượng chức năng, đặc biệt là Thanh tra Giao thông sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà xe vi phạm đón, trả, nhồi nhét khách”.
Là đơn vị phụ trách tuyến giao thông huyến mạch cửa ngõ phía Nam của Thủ đô thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt các dịp lễ, Tết, Đại tá Trần Minh Thu, Đội trưởng Đội tuần tra cao tốc số 7 - Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, đơn vị đã xây dựng phương án phân luồng và huy động 100% quân số ứng trực đảm bảo giao thông trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình. Đơn vị sẽ phối hợp với Công an các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hà Nội và Trung tâm điều hành cao tốc để triển khai các phương án chống ùn tắc.
“Những ngày cao điểm nghỉ lễ, lượng phương tiện lưu thông rất lớn có thể dẫn đến những sự cố va chạm, tai nạn liên hoàn khiến tuyến Pháp Vân - Ninh Bình ùn tắc, phương tiện di chuyển khó khăn. Do đó, đơn vị đã xây dựng những phương án phân luồng tới từng tổ công tác, các điểm nóng. Khi xảy ra sự cố, tùy vào tình hình và địa điểm, chúng tôi sẽ phân luồng, hướng dẫn phương tiện theo hướng kết nối 2 chiều với các tỉnh lộ, nút giao gần nhất”, Đại tá Trần Minh Thu chia sẻ
Hiện nay, Đội Cảnh sát giao thông số 8 - Công an TP Hà Nội phụ trách tuyến huyết mạch Quốc lộ 1 (đoạn Văn Điển - Cầu Giẽ) cũng đã huy động 100% quân số để điều tiết giao thông trên tuyến. Tổ trưởng Tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông số 8 Phạm Thanh Tuấn cho biết, quân số toàn đội đã được bố trí điều tiết tại các nút giao, điểm giao thông quan trọng như: Quán Gánh, ngã 3 Thường Tín, Tía, Muộn… Bên cạnh đó, kết hợp với các lực lượng Thanh tra Giao thông, Công an các huyện đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 1 được thông suốt.
Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo các nhà đầu tư BOT khi xảy ra ùn tắc từ 700m trở lên tại các trạm thu phí do bất cứ vấn đề gì đều phải xả trạm để giải quyết ùn tắc. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cử 7 đoàn làm việc với các nhà đầu tư BOT, các địa phương để tăng cường tuyên truyền và xử lý nghiêm các lái xe cố tình gây ách tắc giao thông tại trạm thu phí, đảm bảo điều kiện lưu thông thông suốt của người dân, đặc biệt dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.