(HNM) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Theo dự thảo Nghị định, lần đầu tiên, lao động tự do trong hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ, nhóm thợ, người lao động hành nghề tự do, xã viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... được tham gia bảo hiểm. Cụ thể, dự thảo quy định 3 chế độ cơ bản người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng, tương tự tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Về cách đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, dự thảo Nghị định quy định 4 phương thức cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Mức đóng được quy định cố định theo mức lương cơ sở với mọi người lao động để bảo đảm linh hoạt tăng, giảm đồng bộ với mức hưởng. Trên cơ sở tính toán cân đối thu chi, mức đóng dự kiến là 4% mức lương cơ sở. Với mức lương cơ sở năm 2017 là 1.300.000 đồng/tháng, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tương ứng là 52.000 đồng/người/tháng. Với ưu điểm là mức lương cơ sở được Chính phủ công bố có thời điểm áp dụng rõ ràng, phương án này tạo thuận tiện trong việc xác định mức đóng cũng như số tiền ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, chi phí y tế, phòng ngừa tai nạn lao động...
Đặc biệt, người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo, 10% đối với người lao động khác. Theo phương án này, dự kiến trong 5 năm đầu triển khai, hằng năm ngân sách hỗ trợ tiền đóng từ 37 tỷ đồng, tương ứng khoảng 200.000 người tham gia.
Việt Nam có hơn 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước. Trong đó, 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Anh Nguyễn Văn Sơn (quê ở tỉnh Thanh Hóa) ra Hà Nội làm thợ xây và bị tai nạn vì ngã từ giàn giáo ở công trình xây dựng tại quận Hoàng Mai. Sau nhiều tháng chữa trị ở bệnh viện, anh được đưa về nhà và mọi sinh hoạt giờ đây cha mẹ phải hỗ trợ. Trong khi đó, ngoài một lần chi bồi thường gần 100 triệu đồng, chủ sử dụng lao động không quan tâm đến cuộc sống sau tai nạn của anh Sơn. Tương tự, anh Nguyễn Văn Dũng (ở phường Trung Phụng, quận Đống Đa) bị chết do tai nạn lao động ở công trường xây dựng. Toàn bộ số tiền cấp cứu, chữa trị, làm hậu sự cho anh đều do gia đình vay mượn. Với hai trường hợp này, nếu được tham gia bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, việc chữa trị, đền bù sẽ chu đáo hơn, cuộc sống của họ và gia đình cũng đỡ khó khăn hơn.
Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, lao động phi chính thức giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, nhưng ít nhận được sự bảo vệ. Tính hết năm 2016, mới có hơn 203.000 lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Việc xem xét ban hành Nghị định trên nhằm nỗ lực đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến khu vực phi chính thức, góp phần bảo đảm cuộc sống, bảo vệ quyền lợi, là "lưới đỡ" an sinh cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.