Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng giải pháp kiểm soát tải trọng xe

Hà Tuấn| 20/06/2014 06:53

(HNM) - Tại hội nghị lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, sản xuất và lắp ráp ô tô cho dự thảo thông tư quy định kích thước giới hạn thùng chở hàng của ô tô (dự kiến có hiệu lực cuối tháng 7-2014) do Bộ GTVT tổ chức, hàng loạt doanh nghiệp vận tải cho rằng, giải pháp kiểm soát tải trọng xe còn nhiều bất cập.

Kiểm soát tải trọng ở các cảng: Không dễ!

Trước giải pháp kiểm soát tải trọng xe ngay tại "đầu nguồn" là các bến cảng đã được thực hiện 2 tháng nay, ông Bùi Viết Hoài, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải biển Vinalines cho rằng, hệ thống cảng của Vinalines trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn. Chỉ đơn cử, với những hàng kẹp chì nguyên khối, cảng không có quyền hạ tải đối với những xe chở hàng này.

Tình trạng xe quá tải là nguyên nhân chính gây nên sự cố lún mặt đường tại TP Hồ Chí Minh.



Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hiện cảng Cát Lái (chiếm 85% hàng hóa container khu vực phía Nam, quận 2). Sau thời gian thực thi đã dẫn tới tình trạng tại đây đang lưu kho khoảng 80 đến 100 container hàng nặng/ngày, gây nên tình trạng ùn tắc hàng hóa. Trong khi, các bãi hạ tải ngoài cảng gần như không có, mà nếu có thì diện tích cũng không đáp ứng. Chưa kể, hiện cơ quan chức năng bố trí các trạm cân di động nhưng vị trí chưa phù hợp. Đơn cử tại cảng Cát Lái, việc bố trí trạm cân tại vòng xoay Mỹ Thủy (điểm giao của các tuyến chính ra vào cảng), hàng ngày có hàng nghìn lượt xe đi lại nên kiểm soát tải trọng ở đây gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) thừa nhận, việc kiểm soát tải trọng xe tại các bến cảng không dễ, bởi liên quan đến tốc độ giải phóng hàng hóa ở các cảng, trong khi cơ sở hạ tầng như cầu cảng, bãi chứa hàng… lại không đủ điều kiện để hạ tải. Chưa kể, việc hạ tải đối với các hàng nguyên đai nguyên kiện, hàng kẹp chì trong các thùng container theo tiêu chuẩn quốc tế là không thể. Thực tế, hiện nay nhiều cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn hạ tải đối với các hàng rời nhưng thay vì một chuyến tàu cần 3 ngày thì nay cần khoảng 5-7 ngày, kéo theo chi phí lưu kho không hề nhỏ cho chủ tàu lẫn DN.

Siết chặt kích cỡ thùng xe: Nhiều băn khoăn

Một giải pháp khác, Bộ GTVT dự kiến triển khai cuối tháng 7-2017 là thông tư quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng của từng loại xe. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực tế hiện nay nhiều nhà sản xuất, lắp ráp xe đã "chiều lòng" khách hàng nên lắp đặt các thùng hàng quá tải. Qua kiểm tra hàng trăm loại xe tải thì chỉ có 15 kiểu thùng hàng đáp ứng đúng tiêu chuẩn nên cần có một quy định về kích thước giới hạn thùng xe ô tô chở hàng. Ông Hình thừa nhận, trong thời gian qua, ngành đăng kiểm đã không chú trọng kiểm soát kích thước thùng chở hàng, dẫn đến nhiều người mua hay cơi nới thùng để chở thêm hàng hóa, thậm chí khung mui cũng biến tướng để phục vụ vào mục đích này. Vì thế, cần phải siết lại quy định kích thước thùng xe nhằm bảo đảm sự cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chân chính, đặc biệt là bảo đảm ATGT và giảm nguy cơ hư hỏng, lún mặt đường.

Tuy nhiên, xung quanh dự thảo này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, các thông số mà Cục Đăng kiểm sử dụng để xây dựng thông tư lạc hậu. PGS.TS Phạm Xuân Mai lưu ý, khi xây dựng dự thảo thông tư, ban soạn thảo nên cân nhắc trong bối cảnh Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2018. Bởi khi đó, các phương tiện vận tải của các nước sẽ tham gia trên tuyến cao tốc xuyên Á, vào lãnh thổ của nhau. Và khi bị cơ quan chức năng Việt Nam áp dụng quy định này, liệu các phương tiện nước ngoài có đúng theo quy chuẩn Việt Nam?

Còn ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với chủ trương siết chặt thùng chở hàng nhưng lưu ý phải được làm từ gốc và cần điều tiết 3 chủ thể gồm: Chủ hàng, đối tượng thuê và người chở hàng. Về phía DN sản xuất xe tải, bà Lã Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật và ô tô Trường Long kiến nghị Bộ GTVT cho phép lùi thời gian có hiệu lực của thông tư đến cuối năm 2014 để doanh nghiệp có thời gian giải quyết các hợp đồng tồn đọng và có thời gian chuẩn bị hoạt động theo quy định mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng giải pháp kiểm soát tải trọng xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.