Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng chính sách thu hồi

Tuấn Lương| 10/03/2012 06:36

(HNM) - Thành phố hiện có 1.209 dự án đầu tư có liên quan đến thu hồi đất GPMB với quy mô 11.749ha, liên quan tới 208.750 tổ chức, hộ gia đình. Nhu cầu TĐC khoảng 18.020 hộ.

Trong đó có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia và TP như dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, cầu Nhật Tân - cầu Vĩnh Thịnh, đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài, dự án Nhà ga T2 và các dự án đường Vành đai 1, 2, 3… Song tại không ít quận, huyện, một số dự án vẫn còn tình trạng dễ làm khó bỏ; có nơi, cán bộ cơ sở chưa chú trọng đối thoại với người bị thu hồi đất, gây bức xúc trong nhân dân…

Nhờ thực hiện tốt công tác GPMB, cầu Nhật Tân đang được xây dựng đúng tiến độ đề ra. Ảnh: Huy Hùng

Tại hội nghị giao ban công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC), GPMB tổ chức ngày 9-3, đại diện nhiều quận, huyện bày tỏ băn khoăn về cơ chế, chính sách trong GPMB; sự lúng túng trong việc bố trí quỹ nhà TĐC… Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng nêu ví dụ dự án thí điểm cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nguyễn Công Trứ là một trong những dự án trọng điểm, đang triển khai giai đoạn I tại khu nhà A1, A2. Hai khối nhà này, quận đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển đối với 199 hộ nằm trong chỉ giới. Đến nay, đã có 160/199 hộ bàn giao mặt bằng và đến tạm cư tại quận Hoàng Mai. Nhưng suốt 3 năm qua, các hộ này rất bức xúc vì dự án vẫn chưa xây dựng xong nhà N3 để họ trở lại TĐC. Đối với 39 hộ còn lại chưa bàn giao mặt bằng, quận có chủ trương cưỡng chế nhưng qua tham vấn các sở, ngành đã nảy sinh hàng loạt bất cập. Cụ thể, theo văn bản của Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế, phá dỡ là của quận. Nhưng theo Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ, thẩm quyền lại thuộc UBND cấp tỉnh, TP. Vì vậy, quận chưa biết phải làm thế nào. Việc ra quyết định thu hồi căn hộ cũng đang đẩy quận vào thế không biết đâu mà lần. Theo tờ trình của Ban Chỉ đạo GPMB TP thay mặt liên ngành (đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc), quận Hai Bà Trưng không phải ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình sử dụng căn hộ chung cư và diện tích tự xây dựng ngoài nhà chung cư. Nhưng tại cuộc họp ngày 16-2 vừa qua, nhằm chuẩn bị cho công tác cưỡng chế, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Chỉ đạo GPMB TP lại đề nghị quận ra quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình theo Điều 44 của Luật Đất đai…

Ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho rằng, thời gian qua, TP đã có nhiều văn bản tháo gỡ, giúp đỡ địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ không ít bất cập. Việc phân kỳ thu hồi đất hiện chưa rõ ràng. Trên địa bàn quận có dự án đường liên quan đến hơn 1.700 hộ dân. Đợi đến khi thu hồi xong 1.700 hộ này mới triển khai dự án thì rất chậm, nhất là khi có hộ không đồng thuận. Đề nghị TP phân kỳ thành các đoạn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính sách GPMB đối với đất nông nghiệp đang là một bất cập, đặc biệt là vấn đề hạn mức và giá. Hạn mức của quận hiện là 450m2/hộ, với trường hợp vượt hạn mức giá đền bù là 252.000 đồng/m2. Nhiều hộ được giao khoảng 3.000m2 đất nông nghiệp nhưng có tới 10 nhân khẩu. Khi đền bù cũng chỉ tính hạn mức 450m2, rất thiệt thòi cho người bị thu hồi đất, gây thắc mắc, khiếu kiện. Cơ sở pháp lý xác định thế nào là hộ nông nghiệp cũng đang vướng mắc. Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan còn chung chung, gây khó khăn trong quá trình vận dụng…

Đường Văn Cao - Hồ Tây, một trong những dự án gặp nhiều vướng mắc trong GPMB. Ảnh: Tuấn Khải

Cần xác định trọng tâm, trọng điểm

Đánh giá về công tác GPMB năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, toàn TP đã bàn giao 2.062ha đất cho các chủ đầu tư thi công dự án; chi trả 14.837 tỷ đồng và bố trí TĐC cho 1.826 hộ. Đây là những kết quả rất quan trọng. Nhiều địa phương đã trở thành những điển hình tốt trong GPMB khi cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực như quận Long Biên, Thanh Xuân... Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện còn có tình trạng dễ làm khó bỏ, nhất là tại các dự án trọng điểm. Có chính quyền cơ sở còn cực đoan, cán bộ quan liêu, ít đối thoại với dân. Thậm chí, đã có trường hợp văn bản của liên ngành TP với 6, 7 con dấu kiến nghị UBND TP mà còn mắc lỗi trong việc vận dụng cơ chế, chính sách. Đây chính là mấu chốt phát sinh khiếu kiện phức tạp.

Quan điểm xuyên suốt của TP là trong quá trình đền bù GPMB phải vận dụng tối đa cơ chế, chính sách theo hướng có lợi cho dân nhưng phải tuân thủ cơ sở pháp lý. Không ít DN, chủ đầu tư còn chưa chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ GPMB, đặc biệt là về quỹ nhà TĐC. DN mới chỉ quan tâm đến xây nhà, phân lô đất để bán mà chưa chú trọng xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi như trong quy hoạch 1/500 của dự án; chậm thực hiện nghiêm việc hoàn trả quỹ nhà, quỹ đất về cho TP theo quy định… TP sẽ tập trung thanh, kiểm tra và xử lý cương quyết đơn vị sai phạm.

Về đề xuất, kiến nghị của các quận, huyện, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nêu rõ, Ban Chỉ đạo GPMB TP cùng các sở, ngành phải tập trung hướng về cơ sở. Quận, huyện, thị xã cần chủ động phối hợp chặt chẽ với sở, ngành chức năng để cùng tháo gỡ vướng mắc. TP sẽ chỉ đạo sớm nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp theo hướng cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở nhằm giải quyết hài hòa 3 lợi ích (Nhà nước, nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất). Muốn làm tốt GPMB thì phải bắt đầu từ cơ sở, phải bám vào dân. Trong năm 2012, toàn TP phải tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB. UBND TP yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư không dàn ngang mà tiến, phải xác định trọng điểm, trọng tâm theo danh mục thứ tự dự án ưu tiên đã được TP quy định…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng chính sách thu hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.