Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lún sụt đê tả Đuống tại xã Xuân Canh diễn biến phức tạp

Hữu Hoài - Hoàng Sơn| 01/03/2014 07:00

(HNM) - Đang giữa mùa kiệt nhưng việc xuất hiện ngày càng nhiều khe nứt, lún sụt lớn kéo dài gần 1km mặt đê tả Đuống thuộc địa bàn xã Xuân Canh (Đông Anh) khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng.

Vị trí xảy ra sự cố trên đê tả Đuống, đoạn qua xã Xuân Canh, huyện Đông Anh. Ảnh: Thúy Nga



Ông Hoàng Văn Nhã, người dân xã Xuân Canh cho biết, từ tháng 3-2013 đến nay, những vết nứt bắt đầu xuất hiện trên thân đê tả Đuống, dần lan rộng chạy dọc đường bê tông mặt đê. Lúc đầu, người dân cho rằng, đó chỉ là vết nứt do xe ô tô chở quá tải trọng gây ra. Những ngày sau đó, các vết nứt càng kéo dài và mở rộng. Đáng ngại nữa là mặt đê có hiện tượng lún, nghiêng xuống phía sông Đuống và kéo dài khoảng 130m dọc thân đê. Theo ông Nhã, đây là hiện tượng bất thường xảy ra giữa mùa kiệt, trong khi lũ thượng nguồn chưa về, khiến người dân càng thêm lo lắng. Hạt Quản lý đê số 4 đã phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến, cắm biển, phân luồng giao thông, không cho phương tiện vận tải đi vào khu vực xảy ra sự cố...

Qua khảo sát khoảng 1km đê tả Đuống chạy qua xã Xuân Canh, bước đầu cơ quan quản lý đê thành phố nhận thấy, khu vực này có địa chất nền yếu, vùng bị nứt, lún thân đê bị rỗng ở độ sâu 1-1,5m, nghiêng xệ về phía lòng sông Đuống. Đặc biệt, từ K1+005 đến K1+073, xuất hiện 3 vị trí bị lún sụt nghiêm trọng, các tấm bê tông mặt đê chuyển dịch về phía thượng lưu. Có vị trí bị lún nứt dài theo mặt đê khoảng 7,5m, bề rộng khe nứt khoảng 6cm. Cũng tại vị trí này, xuất hiện nhiều khoang rỗng dưới đáy các tấm bê tông mặt đê. Đoạn liền kề (tương ứng vị trí K0+995 đến K1+068) về phía thượng lưu xuất hiện vết nứt dài 40m, bề rộng 2cm, chiều sâu khe nứt 5cm. Còn về phía hạ lưu, vết nứt kéo dài 30m, khe nứt rộng 3cm, chiều sâu 5cm, khiến các tấm bê tông mặt đê bị phân tách khỏi phần nền đất.

Trước đó, cuối tháng 11-2012, tại đoạn đê này, xảy ra sự cố sạt trượt kè Xuân Canh, ăn sâu vào bờ 6m, kéo dài 40m đã được thành phố xử lý, tuy nhiên phần tiếp giáp với bê tông trên mặt đê chưa được làm triệt để. Một nhận định được đưa ra là có thể việc mở mái kè, đóng cọc bê tông cùng hoạt động của máy móc, thiết bị trong quá trình thi công kết hợp với hiện tượng co ngót làm thân và mái đê phía thượng lưu bị lún sụt, làm cho phần kết cấu bê tông mặt đê tách ra khỏi phần đất nền, tạo ra khoang rỗng gây ra lún sụt mặt đê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, khu vực đê tả Đuống sát sông, mái kè cũng là mái sông, trong khu vực còn có cống lấy nước Long Tửu. Đây là hai trọng điểm phòng chống lụt bão của thành phố năm 2014. Trước đây, vào những năm 90 của thế kỷ trước, tổng phân lưu nước sông Hồng đổ vào sông Đuống vào mùa kiệt khoảng 26-27%, nhưng những năm gần đây, có năm lên tới 45%, vượt cao so với nhu cầu, dẫn đến xói lòng sông, gây ra sự cố. Nước đổ nhiều vào sông Đuống đã hạ thấp mực nước sông Hồng, khiến việc cấp nước tưới cho vụ xuân của hạ lưu sông Hồng gặp khó khăn.

Ngày 25-2, UBND thành phố đã có Công văn số 1245/UBND-NNNT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở NN&PTNT, Tài chính, UBND huyện Đông Anh khẩn trương khảo sát, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ hư hỏng, đồng thời, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp đê tả Đuống, đoạn qua xã Xuân Canh. Về lâu dài, cần phải có một giải pháp tổng thể đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, xác định nguyên nhân, xu thế diễn biến, phạm vi sạt lở và đề xuất biện pháp xử lý bảo đảm ổn định khu vực cửa sông Đuống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lún sụt đê tả Đuống tại xã Xuân Canh diễn biến phức tạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.